Văn hóa “chìa khóa” phát triển du lịch bền vững.
Cập nhật: 13/08/2012
Du lịch kể từ khi hình thành đã được coi là “sự mở rộng không gian văn hóa của con người”. Bởi vậy, lâu nay cụm từ “du lịch văn hóa” ngay từ khi xuất hiện đã được coi như một loại hình du lịch, mà điểm đến là những nơi chứa đựng giá trị văn hóa lâu đời như: những công trình kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng….

Xu hướng của các nước đang phát triển

Bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục... gần đây du lịch văn hóa được xem là loại sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Du lịch văn hóa chủ yếu dựa vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống dân tộc, kể cả những phong tục tín ngưỡng... để tạo sức hút đối với khách du lịch bản địa và từ khắp nơi trên thế giới. Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Phần lớn hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là dấu ấn bản sắc văn hóa tại quốc gia đó. Bởi lẽ, mỗi khu vực trên thế giới có đặc điểm văn hóa khác nhau. Ví dụ, gốc văn hóa phương Đông là nông nghiệp ưa tĩnh, ứng xử với tự nhiên hài hòa, đề cao lối sống cộng đồng, trọng tình nghĩa, ngược lại, gốc văn hóa phương Tây là du mục ưa động, thích chinh phục tự nhiên, đề cao vai trò cá nhân. Mỗi quốc gia, dân tộc hình thành trên khu vực đó vừa mang đặc điểm văn hóa bao trùm của khu vực nhưng lại có những bản sắc riêng theo quá trình hình thành, sinh sôi, nảy nở.

Ở những nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nền tảng phát triển phần lớn không dựa vào những đầu tư lớn để tạo ra những điểm du lịch đắt tiền, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Những nguồn lợi này không tạo ra giá trị lớn cho ngành du lịch, nhưng lại đóng góp đáng kể cho sự phát triển của cộng đồng xã hội. Những quốc gia phát triển mạnh du lịch văn hóa là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, và một số nước thuộc khu vực Nam Mỹ...

Việt Nam bắt nhịp cùng thế giới

Việt Nam là một quốc gia mang dấu ấn rõ nét của nền văn hóa phương Đông nông nghiệp. Theo dòng chảy lịch sử, các yếu tố văn hóa kết tinh ở những giá trị vật thể như những công trình kiến trúc nghệ thuật cung vua, phủ chúa, lăng tẩm, chùa chiền, đền đài, miếu mạo, những di tích khảo cổ học,… và những giá trị phi vật thể như ngôn ngữ, nghệ thuật thanh sắc, lễ hội, ẩm thực, trang phục truyền thống, phong cách ứng xử, giao tiếp,… ngay lập tức đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách phương Tây.

Ở Việt Nam, sự tác động của du lịch đến văn hóa cũng mang cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Du lịch không những giúp mở rộng giá trị sản phẩm văn hóa mà còn giúp bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang ngày càng bị mai một hoặc bị phá hủy bởi thời gian hay bởi sự lãng quên của người dân bản địa. Nếu không có du lịch, sản phẩm văn hóa chỉ đơn thuần có giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học không thể một năm đóng góp một giá trị kinh tế nhất định cho nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, du lịch khi thâm nhập vào cộng đồng lại dễ làm thương mại hóa những giá trị văn hóa bản địa thuần túy. Và trong khi bản sắc chưa được sử dụng sao cho thật hiệu quả để quảng bá, giao lưu văn hóa trong du lịch thì các hình thức pha tạp văn hóa lại lên ngôi. Chính vì vậy, sản phẩm quan trọng của du lịch là du lịch văn hóa. Một khi yếu tố văn hóa trong du lịch được coi trọng hàng đầu thì kinh tế cũng theo đó mà phát triển theo cách "xuất khẩu tại chỗ". Tuyên bố Ô-sa-ka của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch thế giới vẫn còn nguyên giá trị khi nhìn nhận: "Du lịch là con đẻ của hòa bình, là phương tiện củng cố hòa bình, là phương tiện cân bằng cán cân thanh toán quốc tế". Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà du lịch hiện đang trở thành ngành kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới, sánh ngang với các ngành sản xuất ô-tô, xe máy, kinh doanh vải vóc và thiết bị điện tử. Và càng không ngẫu nhiên mà Đảng ta, từ lâu cũng đã chỉ rõ: "Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao".

CINET