(TITC) - Nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và ngày truyền thống ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch 28/8, từ ngày 28/8 – 2/9, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 02 Hoa Lư, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ 2 năm 2012 với chủ đề “Tây Nguyên – Truyền thống và phát triển”.
|
Nhà rông Tây Nguyên |
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng), UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, thu hút sự tham gia của khoảng 500 nghệ sĩ đại diện cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên và thành phố Hà Nội.
Lễ khai mạc Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội với chủ đề “Tây Nguyên - Những sắc màu văn hóa” được tổ chức vào 20h tối 28/8 sẽ giới thiệu một số nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên như: hòa tấu cồng chiêng, diễn tấu Drông tuê (mời rượu đón khách), hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên, vòng Xoang đoàn kết…
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động triển lãm, hội chợ sôi nổi cũng sẽ được tổ chức như: triển lãm “Tây Nguyên - bản sắc văn hóa truyền thống” trưng bày hình ảnh, hiện vật về nhạc cụ, đồ trang sức, trang phục, công cụ lao động sản xuất, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người... của các tộc người Tây Nguyên; triển lãm “Tranh, tượng về Tây Nguyên” trưng bày các tác phẩm điêu khắc, hội họa có chủ đề Tây Nguyên; triển lãm “Sử thi Tây Nguyên” giới thiệu hơn 100 tác phẩm sử thi của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Ra Glai, Xê Đăng…; triển lãm tranh “Sắc màu Tây Nguyên” trưng bày hơn 30 tác phẩm tranh sơn mài về Tây Nguyên; triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên tự tình” với gần 100 tác phẩm về vùng đất và con người Tây Nguyên; hội chợ ẩm thực và đặc sản, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch Tây Nguyên (đồ thổ cẩm, mây tre, cà phê, trà, mật ong, trái cây, rau quả, rượu cần, cơm lam, thịt nướng)… Đặc biệt, không gian trà Lâm Đồng và không gian cà phê Đắk Lắk cũng sẽ được tái hiện, hứa hẹn là điểm tham quan hấp dẫn của du khách khi đến với ngày hội.
Bên cạnh đó, tại khu vực trưng bày riêng của các tỉnh Tây Nguyên, người xem sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng không gian lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của dân tộc Ba Na; lễ trao vòng cầu hôn và lễ thổi tai truyền thống của dân tộc Ê Đê; hình ảnh nhà mồ…
Diễn ra đồng thời với các hoạt động triển lãm và hội chợ là các hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu, tọa đàm đặc sắc như: lễ hội cộng đồng “Tây Nguyên mở hội” gồm các tiết mục dân ca, dân vũ, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; chương trình giao lưu “Tây Nguyên - Những năm tháng không quên” với sự tham dự của các cựu chiến binh, những người tham gia trận chiến mở màn giải phóng Buôn Mê Thuột và Tây Nguyên những năm 1975; chương trình giao lưu “Âm vang Tây Nguyên” với sự góp mặt của các văn, nghệ sĩ có sáng tác và biểu diễn về Tây Nguyên; buổi gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ nhân, nghệ sỹ Tây Nguyên về vấn đề phát triển không gian văn hóa cồng chiêng và bảo tồn sử thi Tây Nguyên; cuộc tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” nhằm tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời phát huy và khai thác tốt văn hóa Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập…
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002, sau 10 năm, chương trình Những ngày văn hóa Tây Nguyên lại được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với quy mô lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa Tây Nguyên trong nền văn hoá các dân tộc Việt Nam; đồng thời thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Phạm Phương