TS Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết, từ đầu năm tới nay, đặc biệt là sau lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, lượng khách tham quan quần thể di tích tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay từ đầu năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch ở di sản này. Cùng với đó, công tác giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hoá tiêu biểu độc đáo của Thành Nhà Hồ với bạn bè trong nước và quốc tế cũng được chú trọng nên ngày càng có nhiều người biết và đến tham quan.
Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tòa thành đá kỳ vĩ có tuổi đời hơn 600 năm hầu như vẫn còn nguyên vẹn hay công trường khai thác đá cổ ở núi An Tôn được cho là công trường khai thác đá cổ mà Nhà Hồ đã sử dụng để xây nên tòa thành này.
Du khách cũng được chứng kiến những dấu tích nền móng kiến trúc và cấu trúc chính của Đàn Nam Giao, cách tòa thành hơn 2km. Tại đây, một công trình kiến trúc hết sức độc đáo và được bảo tồn khá nguyên vẹn là Giếng Vua (hay còn gọi Ngự Duyên) với thiết kế hình vuông được kè đá.
Qua các đợt khai quật, hàng ngàn di vật đã được phát lộ như: gạch có chữ, ngói mũi sen, ngói âm dương, ngói bò, tiền đồng, đồ gốm… Một số hiện vật quý đang và sẽ tiếp tục được lựa chọn trưng bày phục vụ khách tham quan.
Ông Đỗ Quang Trọng cũng cho biết, trong thời gian tới, di tích Thành Nhà Hồ sẽ tiếp tục được nghiên cứu sâu trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản nhằm đưa Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến du lịch ngày càng hấp dẫn.