Phát hiện nhiều dấu tích về người nguyên thủy tại Cao nguyên đá Đồng Văn
Cập nhật: 07/09/2012
Ngày 5/9, PGs.Ts Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: trong đợt điều tra, khảo sát tại khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào tháng 7/2012 vừa qua, các cán bộ Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã phát hiện ra nhiều dấu tích của người nguyên thủy tại khu vực này.

Điển hình là gần 100 di vật đá trong đó hầu hết đều được chế tác từ đá cuội sông, có nguồn gốc tại địa phương.

Kỹ thuật gia công ghè đẽo các công vụ này còn đơn giản, hình dáng cổ sơ. Phần lớn mặt ngoài di vật bị phủ lớp phong hoá màu vàng sẫm, tuy vậy các vết ghè đẽo vẫn biểu hiện rất rõ. Những di vật này là những chiếc cuốc tay, rìu chặt thô mang đặc trưng của đồ đá cũ. Tuy chưa tìm thấy các di tích hóa thạch cổ sinh đi kèm, nhưng bước đầu các nhà khảo cổ đoán định đây là di tích khảo cổ thuộc thời đại đá cũ, niên đại hậu kỳ Cánh Tân, cách đây hơn 18.000 năm.

Đặc biệt, trong một hang nhỏ nằm ở sườn chân núi liền kề với di chỉ Cán Tỷ, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số công cụ đá trong một hốc sâu ở phía phải cửa hang. Những công cụ này giống với công cụ trong địa tầng Cán Tỷ. Như vậy, có nhiều khả năng hang này đã từng được người nguyên thuỷ sử dụng làm nơi cư trú. Trong quá trình săn bắt, hái lượm, người xưa đã đánh rơi hoặc bỏ lại những công cụ đá trên những bậc thềm sông cổ.

Căn cứ vào tình trạng trầm tích chứa di vật, vào trình độ kỹ thuật chế tác cũng như loại hình công cụ, các nhà khảo cổ cho rằng Cán Tỷ là di chỉ cư trú của người nguyên thuỷ sống ở thời đại đồ đá cũ, có tuổi cách nay chừng 20.000 năm.

Hiện nay, các nhà khảo cổ đang có kế hoạch mở rộng khai quật địa điểm này.

ĐCSVN