Khảo sát liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn
Cập nhật: 27/09/2012
(TITC) - Nhằm chuẩn bị cho Chương trình hội thảo Liên kết phát triển du lịch Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn, từ ngày 20-22/9/2012 các địa phương trên đã tổ chức đoàn khảo sát một số điểm du lịch tại Lạng Sơn và Bắc Giang.

Một số hình ảnh của đoàn khảo sát tại Bắc Giang:

                                 Hồ Khuôn Thần, huyện Lục Ngạn

                     Khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, huyện Sơn Động

 

                               Khu du lịch suối Mỡ, huyện Lục Nam

Tham gia đoàn khảo sát gồm có Phó Giám đốc sở VHTTDL Hà Nội Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Đỗ Đức Thành, đại diện một số Vụ chức năng của TCDL, các đơn vị trực thuộc TCDL, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành của 3 địa phương Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn và các cơ quan thông tấn, báo chí…

Một số hình ảnh của đoàn khảo sát tại Lạng Sơn:

                       Quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh

Theo chương trình, tại Lạng Sơn đoàn đã khảo sát Khu du lịch Mẫu Sơn và quần thể di tích danh thắng Nhị - Tam Thanh, chùa Tiên; tại Bắc Giang đoàn đã khảo sát Khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ (huyện Sơn Động); hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn), Khu du lịch Suối Mỡ (huyện Lục Nam) và Chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) - đây là nơi lưu trữ bộ Mộc bản được tổ chức UNESCO trao bằng công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 7/10 tới.

            Buổi tọa đàm tổ chức tại Khu du lịch Suối Mỡ - Bắc Giang

Sau chuyến khảo sát, ngày 22/9 một buổi tọa đàm đã được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp đánh giá của các thành viên thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí về các điểm mà đoàn đã đến để bổ sung vào nội dung tham luận tại hội thảo “Liên kết phát triển du lịch Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn” sẽ được tổ chức tại thành phố Bắc Giang vào ngày 7/10/2012.


Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đều có ý kiến đánh giá Lạng Sơn có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển du lịch biên giới kết hợp với mua sắm. Nhưng trong 3 năm gần đây các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ 849 chỉ đón được 111.892 lượt khách Trung Quốc. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, du lịch Lạng Sơn đón được 1,3 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa.

Bắc Giang là một địa phương có tiềm năng lớn về du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng và tâm linh nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Trong hồ sơ vinh danh Quan họ Kinh Bắc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì Bắc Giang có tới 23 làng quan họ cổ. Với hơn 2.237 di tích các loại, nhiều lễ hội đặc sắc như (lễ hội Bổ Đà, Hoàng Hoa Thám, Suối Mỡ…) và các làng nghề nổi tiếng như (gốm Thổ Hà, mì Chũ, bánh đa Kế, rượu làng Vân)... nhưng trong 6 tháng đầu năm 2012 Bắc Giang chỉ đón được khoảng 90.000 lượt khách (chủ yếu là khách nội địa, đi trong ngày). Nguyên nhân mà Bắc Giang chưa thu hút được khách là bởi chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hoạt động xúc tiến du lịch và khả năng liên kết phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, cả hai tỉnh đều chưa xây dựng được những tour du lịch mang bản sắc riêng của từng địa phương nên việc thu hút khách còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến, liên kết là xu hướng tất yếu để phát triển du lịch. Vì vậy, trước mắt sẽ giao cho Trung tâm Xúc tiến Du lịch của 3 tỉnh, thành phố phối hợp với CLB du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín để xây dựng và thiết kế một số tour đặc sắc, có tính hấp dẫn cao dựa trên những cơ sở đã có của 3 địa phương. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, nhà hàng, chất lượng dịch vụ và vệ sinh môi trường tại các điểm đến. Sau khi có sản phẩm mới cần báo cáo ngay với các Sở và phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu, quảng bá đến du khách.

Các doanh nghiệp nhìn chung ủng hộ với cách làm này, hy vọng sau buổi hội thảo vào đầu tháng 10 này sẽ làm rõ hơn khả năng liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn.



                                                                                            Bài và ảnh: Thế Phi