Sáng 30/9, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã chính thức khai mạc trưng bày nội thất phần lịch sử, xã hội tỉnh và tổ chức Triển lãm "Cổ vật tinh hoa khu vực Đồng bằng sông Hồng."
Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định hướng tới lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định khẳng định Bảo tàng Nam Định là một thiết chế văn hóa quan trọng, không chỉ có vai trò gìn giữ, bảo tồn, phục vụ nghiên cứu khoa học, tham quan mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Được hoàn thành năm 2010 sau 5 năm xây dựng mới, Bảo tàng Nam Định nằm ở ngay trung tâm Thành Nam, trong không gian liên hoàn các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo truyền thống như: cột cờ, chùa Vọng Cung, vườn hoa, giàn leo, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.
Công trình được xây dựng trên diện tích mặt bằng gần 12.000m², quy mô đầu tư xây dựng 5.200m². Công trình chính nhà bảo tàng được thiết kế mang phong cách truyền thống gồm ba tầng, tầng 1 là kho hiện vật và nơi làm việc của cán bộ bảo tàng, tầng hai và tầng ba dùng để trưng bày.
Ngoài ra, bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời kết hợp cây xanh, thảm cỏ tạo thành một tổng thể liên hoàn đáp ứng yêu cầu hoạt động của một thiết chế văn hóa đặc thù, một điểm nhấn trong kiến trúc Thành Nam.
Bảo tàng Nam Định hiện lưu giữ gần 20.000 tài liệu, hiện vật bao gồm các thể loại khác nhau, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm.
Các hiện vật tại bảo tàng bao gồm: 4.355 hiện vật thể khối, 2.144 hiện vật chất liệu giấy, 345 hiện vật tham khảo, 10.930 hiện vật phim ảnh và hàng nghìn đầu sách, báo, tư liệu phản ánh toàn diện các lĩnh vực tự nhiên, xã hội của tỉnh.
Tiêu biểu là bộ sưu tập điêu khắc đá tháp Chương Sơn; sưu tập đất nung tại Ngô Xá thời Lý; sưu tập gốm hoa nâu thời Trần; sưu tập tiền đồng cổ...
Tầng hai là khu vực trưng bày các nội dung thể hiện qua các sưu tập hiện vật cùng tư liệu, hình ảnh từ thời kỳ tiền sử đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, thời Trần, thời Lê sơ-Mạc, thời Hậu Lê, thời Nguyễn và Pháp thuộc, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ... Điểm nhấn của phần trưng bày là thời Trần, chủ đề trưng bày chính của toàn bộ hệ thống trưng bày lịch sử xã hội tỉnh Nam Định.
Phần trưng bày này không chỉ dành một không gian trang trọng, diện tích lớn nhất mà số lượng hình ảnh, hiện vật còn nhiều nhất, phong phú nhất.
Các tài liệu, hiện vật thời Trần được bố trí làm nổi bật ba nội dung mấu chốt, khẳng định Nam Định là quê hương, đất phát tích của vương triều Trần.
Nhân dịp khánh thành phòng trưng bày, Bảo tàng Nam Định phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường tổ chức Triển lãm "Cổ vật tinh hoa khu vực Đồng bằng sông Hồng" tại tầng ba bảo tàng.
Triển lãm quy tụ được gần 1.000 cổ vật, bao gồm 750 cổ vật tiêu biểu trong nước và 175 cổ vật nước ngoài của hàng trăm hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường (Nam Định), các câu lạc bộ và các nhà sưu tập đến từ các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hoá....
Các cổ vật được trưng bày theo hai chủ đề là cổ vật Việt Nam và cổ vật nước ngoài, qua đó người xem thấy được dấu ấn các giai đoạn lịch sử của Việt Nam thông qua các cổ vật văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn, thời Bắc thuộc, thời Lý-Trần, thời Lê-Nguyễn, đặc biệt là di sản văn hóa thời Trần...
Đây cũng là lần đầu tiên Hội Cổ vật Thiên Trường huy động một số lượng lớn cổ vật với sự tham gia của đông đảo các nhà sưu tập cổ vật trong và ngoài tỉnh.