Hội thảo “Phát huy di sản văn hóa dân gian - thực trạng và nhu cầu phát triển”
Cập nhật: 23/11/2012
Ngày 22/11, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát huy di sản văn hóa dân gian- thực trạng và nhu cầu phát triển”.

Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nhân ngày “Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 8 - Ngày về nguồn 23/11/2012” được tổ chức nhằm tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa dân gian trong điều kiện xã hội hiện nay.   17 tham luận trình bày tại hội thảo đều khẳng định bề dày di sản văn hóa dân gian là rất lớn, phong phú và đa dạng; đồng thời khẳng định vị trí và tầm quan trọng của văn hóa dân gian trong cuộc sống hôm nay.  

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung bàn về thực trạng của văn hóa dân gian trong thời kỳ hiện đại, đó là sự mai một của các loại hình nghệ thuật dân gian như văn học truyền miệng, điêu khắc dân gian, các làng nghề truyền thống; nhiều công trình văn hóa chưa được khai thác và tận dụng đúng mục đích; còn xảy ra hiện tượng đua đòi, bắt chước nhau, “thương mại hóa” các lễ hội, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục khai thác và phát huy di sản văn hóa dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 là “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.  

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng đưa văn hóa dân gian vào trường học (đưa trò chơi dân gian vào nhà trường, phương pháp dạy văn hóa dân gian trong nhà trường, đưa âm nhạc dân gian vào trường học) là một việc làm cần thiết để truyền dạy cho thế hệ trẻ. “Đưa trò chơi dân gian vào trường học nhằm trả lại cho các em thú vui chơi giàu tính dân tộc, bình dân, thân thiện với môi trường, rèn luyện tính bác ái, khỏe mạnh cả về vật chất tinh thần nhằm tạo ra những thế hệ công dân tốt cho tương lai đất nước…”, nhà nghiên cứu Giang Quân chia sẻ.  

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng bàn về các vấn đề như: Thực trạng các làng nghề truyền thống hiện nay và những giải pháp khắc phục; Vai trò của văn hóa dân gian trong cuộc sống hôm nay (Văn hóa dân gian với du lịch, cần tu bổ di tích sân khấu dân gian đang xuống cấp, tên dân gian đường phố Hà Nội, văn học dân gian Hồ Tây (cũ)… Trong đó có ý kiến nhấn mạnh, một trong những cách làm tốt hiện nay là gìn giữ và phát huy giá trị dân gian thông qua việc xây dựng nông thôn mới. “Đây là việc làm rất cần phải bàn bạc, cân nhắc và tính toán khoa học để mục tiêu xây dựng nông thôn mới vẫn đạt được nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc, giữ được hồn của làng. Đặc biệt là các cụ già, những nghệ nhân dân gian, hội văn nghệ dân gian Hà Nội cần quan tâm đến gìn giữ hồn quê dân tộc”, ông Trần Minh Nhương, Hội văn nghệ dân gian Hà Nội nói.  

Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội, nhà thơ Bằng Việt thì cho rằng: Việc chúng ta biết đặt các giá trị của di sản văn hóa vào đúng chỗ của nó và biết cách bảo tồn, tôn tạo, phát huy nó một cách hợp lý, có trình tự, có bài bản, bản thân việc đó cũng đã là cả một động thái lớn, có ý nghĩa cho sự tồn vong và phát triển trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

CINET