Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 - bước tiến trên đường bảo vệ di sản
Cập nhật: 24/12/2012
Tối 21/12, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Liên hoan Ca trù Hà Nội 2012 đã kết thúc trong niềm vui của những nghệ nhân dân gian, ca nương, đào kép chuyên nghiệp của các câu lạc bộ Ca trù tại Hà Nội.

Sau hai ngày diễn ra Liên hoan, với sự tham gia của 80 diễn viên đến từ 5 Câu lạc bộ Ca trù đang hoạt động tại Hà Nội (nghệ nhân cao tuổi nhất là 84 tuổi), Liên hoan Ca trù Hà Nội năm 2012 đã kết thúc thành công. Theo Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn hóa Dân gian, nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp - làm thế nào để đưa Ca trù ra khỏi nguy cơ mai một là mục đích của chúng ta những năm gần đây. Hà Nội là nơi có nhiều đơn vị Ca trù với nhiều thể cách khác nhau. Tuy nhiên, Liên hoan Ca trù lần này chỉ có tính chất nghề nghiệp chứ không phải là Liên hoan mang tính quần chúng, thi thố tài năng. Liên hoan nhằm kiểm kê xem mỗi câu lạc bộ có bao nhiêu vốn liếng, bao nhiêu thể cách, đó là điều làm nên thương hiệu, niềm tự hào cho mỗi câu lạc bộ Ca trù.  

Liên hoan đã giới thiệu những thể cách tiêu biểu của mỗi đơn vị Ca trù tạo nên sắc thái riêng, khẳng định những nét riêng trong phong cách trình diễn, thể hiện tính độc đáo, tài năng, sáng tạo. Công chúng, những nhà quản lý được gặp, thưởng thức nghệ thuật của những nghệ nhân dân gian, thấy được đời sống vật chất của họ như thế nào, từ đó có những suy nghĩ và hành động hỗ trợ, động viên, khích lệ kịp thời, thiết thực nhất. Các ca nương, đào kép, đơn vị tổ chức được học hỏi, giao lưu lẫn nhau trong phần biểu diễn giữa các câu lạc bộ.  

Trong khuôn khổ của Liên hoan, buổi tọa đàm bàn về các giải pháp để bảo tồn các làn điệu Ca trù cổ của đất Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều ý kiến sôi nổi của các ca nương, đào kép, đơn vị tổ chức. Các ý kiến đều biểu dương tinh thần tự lực cánh sinh của các đơn vị ca trù, dù chưa có một cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ họ. Đồng thời, tọa đàm đã đưa ra một số kiến nghị gửi lên Thành ủy Hà Nội và các Bộ, ban, ngành liên quan. Đó là làm thế nào để có một chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các nghệ nhân cao tuổi? Đề nghị với Sở VHTTDL Hà Nội và Bộ VHTTDL làm thế nào để có một sân khấu biểu diễn di sản văn hóa - một mong muốn cháy bỏng của các diễn viên, nghệ nhân dân gian có được một điểm hẹn của các loại hình nghệ thuật dân gian.  

Giáo sư Tô Ngọc Thanh khẳng định, tuy là cuộc Liên hoan với quy mô khiêm tốn nhưng chúng ta đã tiến một bước trên con đường bảo vệ di sản. Chắc chắn liên hoan sẽ được tổ chức 2 năm một lần. Trong liên hoan lần sau sẽ có tốp ca trù thuộc thế hệ trẻ biểu diễn. Bởi, dù chưa có một chế độ đãi ngộ nhưng với tình yêu, niềm tự hào Ca trù nên việc truyền dạy vẫn đang tiếp tục tại các câu lạc bộ, giáo phường Ca trù.  

Liên hoan Ca trù Hà Nội đã trao bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 10 nghệ nhân dân gian và trao kỷ niệm chương 5 câu lạc bộ Ca trù Hà Nội đã tham gia Liên hoan lần này.

LangVietonline