Tưng bừng khai hội đầu xuân
Cập nhật: 13/02/2008
Theo truyền thống hàng năm, ngày 12/2/2008 (tức mồng 6 Tết Mậu Tý), Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh-Hà Nội) đã chính thức khai mạc.

Trước đó, hàng ngàn người dân và du khách đã tham gia Lễ tế "Bát xã" được tổ chức theo nghi thức truyền thống, rồi về đền Thượng dâng hương, tưởng nhớ vua An Dương Vương - người có công xây thành đắp lũy chống giặc ngoại xâm.

Năm nay lượng khách về dự hội đông hơn mọi năm. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức phục vụ nhân dân địa phương và khách thập phương, trong đó có giải vật truyền thống, giải bóng chuyền, thi bắn nỏ, hát quan họ, hát tuồng truyền thống của xã Cổ Loa và Xuân Nộn, rối nước Đào Thục.

Cùng ngày, tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), Lễ hội đền Sóc cũng được tổ chức trang trọng. Trong ngày khai hội, nhân dân 6 xã khu vực đền Sóc là Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hoà, Xuân Giang, Bắc Phú, Tân Minh thành kính dâng các lễ vật như: giò hoa tre, voi chiến, ngà voi, trầu cau, cỏ voi, kiệu Tướng, kiệu cầu Húc tưởng nhớ Thánh Gióng, vị Thánh trẻ tuổi có công dẹp giặc cứu nước.

Phần lễ được tổ chức trang trọng, bài văn tế ngắn gọn, súc tích bằng chữ quốc ngữ. Phần hội diễn ra sôi động với các hoạt động đấu vật, thi đu, bịt mắt đập niêu đất, chọi gà, thi cầu Húc, bóng chuyền.

Lễ hội đền Sóc theo truyền thống diễn ra từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch, nhưng khách tập trung đông nhất vào ngày 30 Tết và ngày mồng 6 Tết. Năm nay, trời khô ráo, lượng khách đến đông, nhiều người nhân dịp này còn tới lễ Phật tại chùa Non, tham quan Học viện Phật giáo và công trình xây dựng tượng đài Thánh Gióng trên núi Đá Chồng.

Ngày mồng 6 Tết, bà con các dân tộc thiểu số nhiều vùng ở Hà Giang nô nức dự Lễ hội "Lồng tồng" (lễ xuống đồng) - một nghi thức truyền thống đầu năm mới của người dân tộc Tày, Nùng cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi.

So với mọi năm, năm 2008, người dân tộc Tày, Nùng ở các huyện vùng thấp Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và 2 huyện vùng cao Hoàng Su Phì, Xín Mần - nơi có nhiều người dân tộc Nùng canh tác lúa nước trên các chân ruộng bậc thang - tổ chức Lễ hội "Lồng tồng" sớm hơn một đến 7 ngày. Sau phần lễ với các nghi thức truyền thống và những chàng trai cày những đường cày đầu tiên với mong muốn một mùa cấy cày bội thu, người dân các dân tộc Mông, Dao, La Chí đã cùng xuống núi tham gia các trò chơi dân gian như: đánh yến, ném còn, đua ngựa.

Tại Lai Châu, trong cái lạnh tới 4 độ C, sương mù không nhìn rõ mặt người kèm theo mưa phùn, song từ sáng sớm ngày 4 Tết Mậu Tý, hàng trăm người dân các dân tộc từ 15 bản và các xã lân cận đã kéo đến dự Lễ hội Gầu Tào đầu xuân tại Trung tâm cụm 8 xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu.

Lễ hội Gầu Tào là phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu để cầu khấn Thần đất bảo vệ ruộng nương, con cháu, xin cho mùa màng tươi tốt, làm ăn thuận lợi. Lễ hội thường được tổ chức 3 năm một lần, kéo dài từ mùng 4 đến mùng 6 Tết Nguyên đán.

Sau khi tuyên bố khai mạc, ông thầy cúng bắt đầu làm lễ trước bàn thờ, một con trâu là vật tế được dắt tới và thầy cúng "trao" sợi dây dắt cho thần đất. 2 người đàn ông được lựa chọn uống 2 bát rượu lễ trên bàn thờ, bắt đầu tiến hành thủ tục giết trâu cúng tế. Đầu trâu được bày lên bàn thờ để thày làm lễ tạ; sau đó, trong khi những người giúp việc mổ trâu, đặt ngay những chảo thắng cố sùng sục sôi trên bãi thì những chàng trai, cô gái múa khèn, múa ô.

Cây nêu Dình Thề cao chót vót trở thành nơi thi tài của những người đàn ông có sức khoẻ và sự khéo léo, cố sức leo lên để lấy những phần thưởng treo trên đó. Những đám khác lại say mê với với cuộc thi bắn nỏ, ném pao... cố sức để nhận một giải thưởng, coi như món quà của Thần đất ban tặng sự may mắn.
TTXVN