Lễ hội chè xuân Tân Cương
Cập nhật: 18/02/2008
Cây chè đã có mặt trên đất Tân Cương từ 300 năm nay nhưng trở thành đặc sản nổi tiếng thì trong khoảng 100 năm trở lại đây khi ông Đội Năm tới khai phá mở đồn điền trồng chè, chế biến thành những gói trà Bạch Hạc.
Trà Bạch Hạc theo người Pháp, người Tàu đi trăm ngả. Để có trà ngon lại phải có nghệ nhân làm trà, có làng nghề truyền thống. Thái Nguyên có diện tích chè trên 15.000 hecta, lớn thứ hai ở nước ta (sau Lâm Đồng) nhưng để có làng nghề làm trà nổi tiếng cho đến tận ngày nay, độc nhất vô nhị vẫn là Tân Cương.
Ngày xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, chè cũng đâm chồi nảy lộc, một mùa làm ăn đối với người trồng chè cũng đã bắt đầu. Để tôn vinh nghệ nhân, tôn vinh làng nghề, cầu mong một năm bội thu, từ mấy xuân nay Tân Cương đều mở lễ hội chè xuân và năm nay lấy tên “Hương sắc trà xuân Tân Cương”. Nét độc đáo của lễ hội này ở chỗ, người đến dự lễ hội vừa là khách, vừa là chủ thể tham gia các cuộc thi. Mở đầu là chương trình diễu hành giới thiệu 16 cây chè đẹp (vùng khác thì thi trâu, chọi gà… còn nơi đây là thi cây trồng đẹp) của 16 xóm trong xã: những cây chè đang độ xuân túa lộc, nẩy búp, được các xóm chọn lựa từ hàng vạn gốc chè rồi trang trí cho đẹp, cho xuân. Xóm Nam Tiến, Y La 1, Y La 2, rồi Nam Hương, Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, xóm Guộc… đều biểu dương những cây chè sức sống nhất. Rồi đến 16 chiếc chảo xao chè, với những nong chè một tôm hai lá mơn mởn được những người nông dân thạo nghề, điệu đàng trong đôi bàn tay chế biến tại chỗ phục vụ du khách bằng những ấm trà vị đậm đà vừa bùi, vừa chát lại vừa ngọt, vừa thơm có sức quyến rũ đặc biệt đối với người uống trà. Ban Giám khảo không ai khác lại là những người quản lý của xã, của xóm nhưng đã sinh ra và lớn lên gắn bó một đời với nghề làm chè. Cúp được trao cho cây chè đẹp nhất, cho cân chè ngon nhất. Cũng chính từ lễ hội diễn ra vào 11 tháng Giêng âm lịch hàng năm lại là dịp để xã Tân Cương báo cáo kết quả sản xuất và đời sống của từng xóm. Nhiều xóm vào dịp này năm ngoái vẫn còn hộ nghèo thì năm nay số hộ nghèo đã được xoá, tỷ lệ người giàu ngày càng tăng lên. Cây chè một thời chao đảo do giá thấp, đầu tư cao thì nay đã trở thành cây làm giàu đích thực cho Tân Cương. Doanh nghiệp Hoàng Bình, Khắc Vượng đã về đất này tổ chức trồng thu mua rồi chế biến chè xuất khẩu, chè bán nội địa khắp cả nước, cũng được người dân ủng hộ bởi sự uyển chuyển giá cả theo mùa vụ, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nông dân thật sự hài hoà. Cây chè, sản xuất chè vừa mang tính cá thể nhưng lại đậm đà sức mạnh cộng đồng. Do vậy, sự gắn kết trong quần cư chưa nơi nào bền chặt như đây. Xã có tới 50% (nhiều xóm là 90%) đồng bào theo đạo Thiên Chúa nhưng tất cả đều đồng lòng vì một mục tiêu là giữ uy tín của chè, giữ thế của đất, giữ độc quyền thương hiệu mà phải cả trăm năm mới có.
Hàng vạn người du xuân đầu năm về đây để thưởng ngoạn đặc sản trà nổi tiếng, các doanh nghiệp về đây để tìm hiểu thêm về trà Tân Cương, một lễ hội đặc biệt mà chiếc cúp được trao cho một loài cây, cho một sản phẩm được kết tinh từ chất đất và bàn tay nghệ nhân nơi này. Nén nhang được thắp lên không phải để cầu mong thần phật phù hộ độ trì mà cầu cho mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh.
Báo Thái Nguyên
|
|
|