Du lịch là một ngành kinh tế đặc thù. Trong điều kiện hội nhập và mở cửa thì vấn đề liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương. Từ năm 2006, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn. Từ năm 2008 đến nay, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ - Hà Giang – Lai Châu – Điện Biên – Sơn La – Hòa Bình đã xây dựng, liên kết tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc.
Trong quá trình liên kết du lịch vùng cũng đặt ra một số vấn đề cần phải giải quyết cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Vùng Tây Bắc, nơi có đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất toàn quốc, đồng thời cũng là vùng có đông thành phần dân tộc nhất toàn quốc (có tới 36 dân tộc trong tổng số 54 dân tộc). Tính đa dạng văn hóa, tính đa dạng tự nhiên chính là nguồn lực để liên kết phát triển du lịch. Vì vậy, sự liên kết phát triển du lịch là một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề đói nghèo, tăng trưởng kinh tế. Có thể coi liên kết du lịch là phần hồn, là bộ khung nhằm liên kết kinh tế. Thực tiễn đã chứng minh ở những vùng xây dựng điểm và tuyến du lịch thì tốc độ kinh tế phát triển nhanh và tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm nhanh từ 2 đến 3 lần so với những vùng khác.
|
Tuy nhiên, qua thực tiễn ở 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, muốn liên kết được du lịch thì trước hết cần nghiên cứu thống nhất về quy hoạch du lịch trong vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các tuyến du lịch song phương và đa phương giữa hai tỉnh và giữa toàn vùng. Ban chỉ đạo du lịch 8 tỉnh Tây Bắc đã xác định Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên Phủ (Điện Biên) và cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là những điểm du lịch mạnh, có sức hút đối với khách du lịch quốc tế và trong nước. Vì vậy, các tỉnh đều ra sức xây dựng các điểm du lịch này trở thành những điểm có sức lan tỏa đến du lịch toàn vùng. Nổi bật là vai trò của trung tâm du lịch Sa Pa. Từ Sa Pa, đã hình thành các tuyến sang Hà Giang, về Lai Châu, Yên Bái qua đường 32 hoặc xuống Quỳnh Nhai về Sơn La. Các tuyến du lịch này ngày càng thu hút nhiều du khách nước ngoài. Đặc biệt, nhờ liên kết vùng nên lượng khách đến Lào Cai, Sơn La và Hà Giang đều có mức tăng đột biến. Năm 2012, Lào Cai đón 948.610 lượt khách, Sơn La đứng vị trí thứ hai ở vùng Tây Bắc với 535.000 lượt khách; còn mức tăng của Hà Giang đều vượt trên 20%/năm.
Từ thực tiễn của liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, muốn liên kết vùng phải thống nhất đồng bộ các giải pháp quan trọng như sau:
- Thứ nhất, phải xây dựng cơ chế liên kết hiệu quả (có Ban chỉ đạo, nguồn kinh phí đóng góp chung, phương hướng, dự án phát triển chung và có bộ máy chuyên trách hoạt động của cả vùng…). Nhờ tranh thủ được vốn đầu tư của Tổ chức SNV và đặc biệt là dự án EU nên bước đầu 8 tỉnh có nguồn kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng thương hiệu, quy hoạch điểm, tuyến du lịch và xây dựng trang web quảng bá chung… Các Sở VHTTDL cũng bố trí các chuyên viên làm việc theo chế độ bán chuyên trách. Đồng thời nhờ tranh thủ được một số nguồn vốn của dự án EU, dự án Tây Ban Nha, dự án SVN và kinh phí của các tỉnh nên 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng với những sắc thái khác nhau.
- Thứ hai, các tỉnh liên kết nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương. Thực tiễn ở nhiều vùng, sự liên kết du lịch khó hiệu quả vì các địa phương đều có các sản phẩm du lịch na ná giống nhau. Ví dụ, như cùng thưởng thức ẩm thực Thái, ngủ nhà sàn Thái, mua thổ cẩm của người Thái… Nhưng đến khi triển khai kế hoạch liên kết, mỗi tỉnh lại lựa chọn những nét đặc thù của địa phương, bước đầu quảng bá và tạo sản phẩm du lịch. Tuy cùng là cao nguyên, cùng là loại hình du lịch sinh thái núi nhưng các hoạt động du lịch của Mộc Châu khác hẳn với Sa Pa và cũng không giống với cao nguyên đá Đồng Văn. Mỗi tỉnh tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng về du lịch là vấn đề quan trọng để phát huy thế mạnh của liên kết vùng.
- Thứ ba, muốn đẩy mạnh được liên kết vùng cần coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Trước đây, mạnh tỉnh nào thì tỉnh đó quảng bá, nhưng từ khi thực hiện liên kết, được sự giúp đỡ của các chuyên gia SNV và dự án EU, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã nghiên cứu xây dựng logo, xây dựng website bằng tiếng Việt và tiếng Anh và tổ chức tham gia nhiều hội chợ quốc tế… Nhờ quảng bá chung nên các tỉnh đã tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến.
- Thứ tư, bước đi đầu tiên của liên kết vùng là cần đầu tư nghiên cứu quy hoạch vùng và quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của mỗi tỉnh và toàn vùng. Từ đó tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn riêng, bản sắc riêng của mỗi địa phương để xây dựng thế mạnh liên kết.
Liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng bước đầu đã khắc phục được tình trạng hình thức, chỉ lo tổ chức các sự kiện mang tính chất quảng bá bề nổi mà thiếu chiều sâu. Đặc biệt, liên kết ở vùng Tây Bắc cũng đã bước đầu hình thành được cơ chế chung trong chỉ đạo, điều hành, khuyến khích mở rộng liên kết song phương giữa hai tỉnh và đa phương với nhiều tỉnh khác nhau. Phạm vi liên kết đã mở rộng cả sự quảng bá, tạo sản phẩm, xây dựng các chính sách, đào tạo nguồn nhân lực. Hi vọng nếu được sự quan tâm của Bộ VHTTDL và TCDL chắc chắn sự liên kết ở một vùng khó khăn sẽ xuất hiện nhiều điểm sáng mới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở vùng cao xa xôi.