Mặc dù nhiều ngành kinh tế của Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song ngành du lịch vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, đặc biệt tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Khánh Hòa - điểm đến hấp dẫn với du khách Nga
Năm 2012, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch Khánh Hòa vẫn có bước tăng trưởng đáng kể. Tổng lượt khách đến Khánh Hòa đạt hơn 2,3 triệu lượt. Trong đó, khách nội địa đạt 1,8 triệu lượt, khách quốc tế đạt hơn 530 ngàn lượt. Đặc biệt, những tháng cuối năm nay, lượng du khách Nga đổ về Nha Trang trú đông tăng khá cao, đạt trên 128%, chiếm khoảng 15% tổng lượng khách quốc tế. Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống vẫn giữ được mức tăng trưởng khá như Hàn Quốc tăng 70%, Úc tăng 30%... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số thị trường khác tại châu Âu như Anh, Pháp... có xu hướng giảm. Trong năm 2012, tổng doanh thu từ ngành du lịch Khánh Hòa là 2.568 tỷ đồng, tăng 368 tỷ so với năm 2011.
Sở dĩ lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa ngày càng gia tăng so với những năm trước là do sân bay Cam Ranh chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế thứ 3 tại khu vực miền Trung sau sân bay Huế và Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày cuối năm, sân bay này đón khoảng 600 du khách Nga đến du lịch thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Ông Andrey Smirinov, Giám đốc truyền thông Công ty du lịch Ánh Dương, một trong những doanh nghiệp đưa nhiều khách Nga đến Việt Nam cho biết: Với phong cảnh tuyệt đẹp, khí hậu ấm áp thuận lợi, con người thân thiện, Khánh Hòa đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nga. Dự kiến mùa nghỉ đông năm 2013, Khánh Hòa sẽ đón khoảng 100 ngàn lượt khách Nga.
Bên cạnh đường hàng không, năm 2012, cảng Nha Trang cũng đón vài chục ngàn du khách quốc tế theo đường biển, từ các tàu lớn như Diamond Princess, Volendam, Amsterdam, Europa…
Được biết, năm 2013, tại Khánh Hòa sẽ diễn ra Festival biển, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chọn Nha Trang làm địa điểm tổ chức Hội chợ du lịch biển quốc tế Nha Trang - Việt Nam 2013 với sự tham gia của khoảng 200 gian hàng của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch biển... Đây sẽ là cơ hội để Nha Trang - Khánh Hòa quảng bá hình ảnh với bạn bè quốc tế cũng như thu hút du khách đến với địa phương; đồng thời được xem là cơ hội để du lịch Khánh Hòa bứt phá.
Theo bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, Hội chợ du lịch biển quốc tế Nha Trang - Việt Nam 2013 sẽ là cơ hội tốt để Khánh Hòa làm công tác quảng bá hình ảnh của mình. Nếu làm tốt, đây sẽ là thời cơ, cơ hội để du lịch Khánh Hòa thu hút du khách, bứt phá trong lĩnh vực du lịch, tạo cơ hội cho du lịch phát triển một cách bền vững... Tuy nhiên, để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp du lịch Khánh Hòa cần chú trọng, đầu tư đúng mức cho công tác quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, đảm bảo chất lượng phục vụ, sản phẩm du lịch...
Đà Nẵng - điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung
Ngay ngày đầu tiên của năm mới 2013, những chiếc tàu biển chở hàng nghìn du khách quốc tế đã cập cảng Đà Nẵng, mở ra những cơ hội phát triển du lịch các địa phương miền Trung Việt Nam.
Từ nhiều năm nay, thành phố biển Đà Nẵng luôn là điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Trung. Đà Nẵng đã và đang khẳng định thương hiệu một thành phố môi trường, thành phố đáng sống, thành phố sự kiện. Thành phố này đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, lần đầu tiên tổ chức sự kiện thi dù lượn quốc tế, thi hoa hậu Việt Nam trong năm 2012… Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp được tăng cường đầu tư, đáp ứng được nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Chỉ tính riêng trong dịp Tết Quý Tỵ năm 2013, lượng khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng tăng hơn các năm trước, ước đạt 146.000 lượt khách (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2012, trong năm nay, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn; đầu tư nâng cấp môi trường, sản phẩm du lịch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp; triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá tại thị trường trong nước, các thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á…
Thừa Thiên Huế - điểm tổ chức thành công “Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ
|
Bên cạnh Khánh Hòa, Đà Nẵng, ngành du lịch Thừa Thiên Huế cũng gặt hái nhiều thành quả với việc đăng cai và tổ chức thành công “Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ”, trong đó nổi bật là Festival Huế 2012. Kết quả trên đã khẳng định tính chuyên nghiệp trong tổ chức lễ hội, khai thác du lịch, khẳng định sự hấp dẫn của di sản đất cố đô.
Trong Năm du lịch quốc gia 2012, Thừa Thiên Huế đã đón 2,5 triệu lượt khách, tăng gần 25% so với năm 2011, doanh thu từ du lịch đạt gần 1.800 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế còn cùng các tỉnh miền Trung xây dựng nhiều chương trình du lịch mới và hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế như “Tháng du lịch khám phá hang động ở Quảng Bình”; Lễ hội du lịch văn hóa, nhịp cầu xuyên Á lần thứ ba tại tỉnh Quảng Trị… Con số hơn 10 triệu lượt khách đến với “Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ” đã nói lên sức hấp dẫn, sự năng động của ngành du lịch miền Trung trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Năm 2012, mặc dù ngành du lịch vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung song để phát triển một cách bền vững, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung triển khai xây dựng những sản phẩm du lịch thống nhất, mang đặc trưng vùng miền như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã chỉ rõ: Năm 2013, ngành du lịch sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vì vậy các tỉnh trong khu vực cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa các tỉnh miền Trung thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước. Các địa phương trong vùng tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục những khó khăn hạn chế như công tác liên kết trong xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch chưa được phát huy tối đa.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những kết quả khả quan mà ngành du lịch miền Trung đạt được chính là động lực để năm 2013, ngành du lịch tiếp tục phát huy sáng tạo, duy trì vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung.