Di sản địa chất ở Việt Nam - Tiềm năng lớn đang “phát lộ”
Cập nhật: 05/04/2013
Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á rất giàu tiềm năng du lịch di sản, trong đó có di sản địa chất. Tuy nhiên, loại hình du lịch này cần được đánh giá, nghiên cứu và quan tâm phát triển hơn nữa để mang lại nguồn lợi cho đất nước và cộng đồng.

Di sản địa chất phong phú

Quá trình hình thành và phát triển địa hình, địa chất, tạo hóa đã ban cho nước ta nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Đó là những cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, các hang động, hẻm vực, sông hồ tự nhiên, các thác nước đã lộ diện hay đang tiềm ẩn chưa phát lộ. Theo định nghĩa của UNESCO, tất cả những cảnh quan đó được gọi chung là phần tài nguyên có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. Cũng như các di sản khác, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi mất đi là khó có thể phục hồi. Do đó, di sản địa chất cần phải được bảo vệ, bảo tồn, quản lý, khai thác hợp lý và phát huy các giá trị nổi bật của nó để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, của các địa phương sở hữu di sản địa chất nói riêng.

Hiện ở nước ta, bên cạnh 2 khu bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản địa chất có giá trị rất cao về cảnh quan, thẩm mỹ đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), còn có Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã trở thành Công viên Địa chất toàn cầu. Ngoài ra, một số khu bảo tồn thiên nhiên, di sản địa chất khác cũng đang được các địa phương và ngành văn hóa lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới như: khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), hồ Ba Bể (Bắc Kạn)...

Trong số đó, Cao nguyên đá Đồng Văn có giá trị đặc biệt về di sản địa chất. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Cao nguyên đá Đồng Văn có gần 140 điểm di sản, chia thành nhiều nhóm cảnh quan địa mạo, hóa thạch, cổ sinh-địa tầng, hang động đá vôi. Với tổng diện tích khoảng 2.350km², Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ các cảnh quan kỳ thú, độc đáo và đa dạng, có giá trị nhiều mặt không chỉ tài nguyên sinh thái mà cả du lịch. Điểm di sản địa chất này đã được xếp vào loại hình di sản cấp quốc tế.

Khai thác tiềm năng đang “phát lộ”

Nhằm phát huy những giá trị đặc biệt của di sản địa chất, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2030” để quyết tâm biến địa danh này trở thành khu du lịch quan trọng của quốc gia. Tại đây sẽ xây dựng 4 trung tâm du lịch khai thác phát huy giá trị các di sản địa chất nhằm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đó là: Trung tâm du lịch văn hóa lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm và thương mại cửa khẩu Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ.

Ông Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, hiện nay cơ quan này đang tích cực sưu tầm, tìm kiếm kết hợp điều tra, khảo sát hoàn thiện tài liệu về giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học ở 15 cụm di sản địa chất tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, làm cơ sở xây dựng bộ tài liệu thuyết minh phục vụ du lịch.

Cùng với “đánh thức” tiềm năng di sản địa chất thiên tạo, chúng ta cần chú trọng quan tâm phát triển các di sản địa chất nhân tạo. Theo ông La Thế Phúc, Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, không chỉ giàu tài nguyên di sản địa chất thiên tạo, nước ta còn có tiềm năng lớn về di sản địa chất nhân tạo. Các di sản địa chất này được tạo nên thông qua các hoạt động khai thác khoáng sản của con người. Đến nay, một số mỏ có thể trở thành điểm du lịch di sản địa chất như: Mỏ than Na Dương (Lạng Sơn), mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh)... Trong đó, mỏ than Na Dương là một khu di sản địa chất rất độc đáo. Được sự tư vấn của các nhà địa chất, Công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khai thác hết than mà không phải hoàn nguyên.

Tuy vậy, theo các chuyên gia di sản và du lịch, muốn trở thành điểm đến trong tương lai gần, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp khai thác than cần phải khẩn trương quy hoạch xây dựng các bãi thải, chủ động trồng cây, làm “xanh hóa” các điểm đã khai thác than, kiên quyết bảo vệ môi trường sinh thái. Mặt khác, cần sớm có biện pháp thu gom các thân cây hóa đá, các hóa thạch động thực vật để thuận lợi cho việc xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời sau này. Bởi vì khi trở thành điểm du lịch, du khách đến đây không những được ngắm nhìn cảnh quan địa mạo độc đáo, mà còn được thưởng lãm những giá trị đặc sắc từ các hóa thạch chỉ có ở các di sản địa chất nhân tạo.

QĐND