Ngày 13-4, tại Sơn La, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế”. Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Tới dự có đồng chí Bùi Đức Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La; các nhạc sỹ của 21 chi hội nhạc sỹ Việt Nam các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Đức Hải đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh Sơn La, nhất là bản sắc văn hóa 12 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, nhấn mạnh việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi.
Tại Hội thảo, Trưởng ban lý luận phê bình Hội Nhạc sỹ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu đã trình bày đề dẫn về tính dân tộc trong nhạc mới; yếu tố khai thác kho tàng nhạc cổ để tạo nên màu sắc dân tộc trong nhạc mới; cái tôi trong sáng tạo nghệ thuật và môi trường để sáng tạo nghệ thuật.
Theo đó, các ý kiến phát biểu tập trung các chủ đề: Bảo tồn, phát huy và phát triển âm nhạc truyền thống dân gian các dân tộc; cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân gian; khai thác và sử dụng chất liệu âm nhạc cổ trong các bài ca mới... Đồng thời, khẳng định những tác phẩm được đông đảo công chúng đón nhận, có sức lâu bền, còn mãi với thời gian ngoài những giá trị về nội dung, hình thức nghệ thuật, các tác phẩm đó luôn mang đậm chất liệu dân gian của mỗi vùng, miền hoặc nét dân ca của một dân tộc nhất định.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh: Âm nhạc dân gian Việt Nam gắn bó với đời sống lao động của nhân dân Việt Nam, nhưng hiện nay có nhiều biến tấu, cải biên, mai một... làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn và phát huy những giá trị của âm nhạc dân gian. Vì vậy, việc khai thác âm nhạc dân gian là phải thấm đẫm, cảm nhận được cốt lõi của loại hình âm nhạc này, chứ không phải là cái vỏ bên ngoài như việc bê nguyên một làn điệu, một câu nhạc vào tác phẩm rồi gọi đó là khai thác âm nhạc dân gian.