Tập huấn quản lý rủi ro cho các di sản tại Việt Nam
Cập nhật: 17/04/2013
Ngày 16/4, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã diễn ra khóa tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý rủi ro cho các khu di sản thế giới tại Việt Nam với sự tham gia của các cán bộ thuộc ban quản lý ba khu di sản văn hóa thế giới là: Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Cố đô Huế và Đô thị cổ Hội An.

Khóa tập huấn do Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, ICCROM (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Trùng tu Di sản Văn hóa) và Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức.

Theo bà Dương Bích Hạnh, Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, việc đảm bảo tính bền vững cho các khu di sản thế giới trước những tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn đối với sự phát triển chung của kinh tế xã hội. Tuy nhiên phần lớn các khu di sản của Việt Nam hiện nay chưa có một kế hoạch và quy trình tổng thể nhằm ứng phó với các tình huống thảm họa có thể xảy ra. Điều này đặt các khu di sản cũng như cộng đồng xung quanh trước rất nhiều nguy cơ.

Khóa tập huấn nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ của các khu di sản thế giới và các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa; chuẩn bị, ứng phó và phục hồi trong trường hợp xảy ra thảm họa.

Qua chương trình này, các học viên còn được các chuyên gia giàu kinh nghiệm giới thiệu, cung cấp kiến thức về các phương pháp và công cụ hiện có để chuẩn bị các kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa tại các khu di sản thế giới, nhất là tại Cố đô Huế, Đô thị Hội An và Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.

Bên cạnh đó, các học viên được hướng dẫn việc "Lập kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa cho di sản thế giới Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Cố đô Huế, Đô thị Hội" theo phương pháp vừa học vừa làm, tạo điều kiện cho các cán bộ tham gia dự án được tiếp thu lĩnh hội những kiến thức mới để trực tiếp triển khai công việc của mình.

Phương pháp này cũng nhấn mạnh vào yếu tố cùng tham gia, yêu cầu các cán bộ làm việc với rất nhiều đối tác, không chỉ trong phạm vi ban quản lý khu di sản của mình mà còn với các cơ quan hữu quan tại địa bàn; trong đó, việc hợp tác tại chỗ với cộng đồng địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề bảo tồn di sản.

Trong thời gian khóa học, các học viên sẽ thảo luận về nhu cầu xây dựng các kế hoạch quản lý nguy cơ thảm họa cũng như các phương pháp và công cụ để chuẩn bị, ứng phó và phục hồi trong trường hợp xảy ra thảm họa đối với các khu di sản.

Khóa tập huấn kết thúc vào ngày 20/4.

Vietnam+