Từ sáng sớm 25/5, hàng nghìn du khách thập phương đã tụ họp tại khu vực điện Trường Bà để tham dự các hoạt động đặc sắc trong lễ hội lớn nhất năm của nhân dân Trà Bồng. Đây chính là nét văn hóa độc đáo, đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong việc đánh thức tiềm năng du lịch vùng cao Quảng Ngãi.
Năm nay, Lễ hội điện Trường Bà vẫn giữ được truyền thống cúng tế thần linh từ bao đời của đồng bào vùng cao Trà Bồng qua nhiều hoạt động: Lễ rước hoa đăng, Lễ Mộc Dục, Lễ Tế ngoại đàn, Lễ hội hiến trâu, cồng chiêng, múa Cadháu, Lễ chánh tế… Phần lễ quan trọng nhất được khởi hành từ đêm 24/5 đến sáng 25/5, mang ý nghĩa tâm linh và sự tôn thờ vị Thánh Mẫu Thiên Yana đã có công khai hoang, mở đất.
Trước đó, 8h tối 24/5, hơn 1.000 người dân và du khách đã cùng tham gia vào lễ rước hoa đăng từ điện Trường Bà đến bến Đá Cộc thuộc sông Trà Bồng. Hàng nghìn ngọn hoa đăng thả xuống cùng hàng nghìn lời nguyện ước được an bình, no đủ theo dòng nước hiền hòa chảy về xuôi. Sông Trà Bồng tối 24/5 bỗng sáng rực rỡ, tỏa ánh hào quang.
Tuy nhiên, phần lễ được nhân dân đón xem nhiều nhất là lễ đâm trâu, mang tính tổng hợp văn hóa cao với mong muốn sống ấm no hạnh phúc của đồng bào Cor. 6h sáng 25/5, tiếng hò reo của người lớn, trẻ con tại lễ hội đâm trâu đã đánh thức bầu không khí còn mờ hơi sương của núi rừng Trà Bồng. Những trai làng trong những chiếc khố và áo ló thêu hoa văn sặc sỡ có nhiệm vụ đánh trống và cồng chiêng.
Các thiếu nữ xúng xính trong trang phục dân tộc Cor nhảy múa theo điệu nhạc quanh cây nêu và con trâu. Trong lễ hội này, không thể thiếu nghi thức cúng bái của các già làng xin thần linh mang cuộc sống no đủ về cho thôn bản.
Già làng Hồ Văn Biên ở thôn 2, xã Trà Thủy cho hay: Năm nào cũng vậy, Ban tế lễ có khoảng 50 người gồm người Kinh lẫn người Cor. Người Kinh lo các phần lễ trong Chánh điện và ngoài sân. Người Cor sẽ lo phần lễ hội đâm trâu và múa hát truyền thống.
Ngoài các hoạt động đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người Kinh lẫn người Cor, lễ hội điện Trường Bà còn có sự phối hợp giao lưu văn hóa qua các tiết mục trình diễn võ thuật, cồng chiêng của các đội đến từ tỉnh Bình Định và Quảng Nam.
Các du khách đã được chứng kiến sự tinh luyện qua những bài võ cổ truyền và phần múa lân độc đáo của đội võ thuật Bình Định. Ngay trước điện thờ, họ cũng được “mục sở thị” phần múa cồng chiêng mừng vụ mùa độc đáo của dân tộc Cơ Tu đến từ huyện Nam Giang, Quảng Nam.
Lễ hội điện Trường Bà đã thực sự trở thành chiếc cầu nối văn hóa của nhiều dân tộc, mang tính truyền thống kết nối cộng đồng từ hàng trăm năm trước. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Đây là một nét văn hóa độc đáo kết nối giữa miền xuôi với miền ngược, giữa miền Nam và miền Bắc. Chúng ta có thể thấy rõ sự xuất hiện văn hóa của nhiều dân tộc: Kinh, Cor, Chăm, Hoa… trong các hoạt động tại lễ hội, rất đáng lưu giữ và phát huy. Do đó, chúng tôi đang lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, sau lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng nhấn mạnh: Nếu lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hướng về chủ quyền biển đảo thì lễ hội điện Trường Bà là hoạt động hướng về đồng bào vùng cao với sự giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc. Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực để tổ chức thành công lễ hội này.
“Huyện Trà Bồng vốn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Và lễ hội Điện Trường Bà chính là điểm nhấn quan trọng trong việc kết hợp du lịch tâm linh và du lịch sinh thái để đánh thức tiềm năng du lịch tại vùng cao này. Điều cốt lõi của lễ hội chính là việc bảo tồn và phát huy tính nối kết cộng đồng cao với nhiều ý nghĩa văn hóa”- ông Bắc nói thêm.
Lễ hội diễn ra đến hết ngày 26/5 với nhiều hoạt động: tọa đàm về truyền thuyết Thánh Mẫu Thiên Yana, thi đấu bóng chuyền, tế lễ thỉnh Bà xem hát bộ, múa lân, cồng chiêng, thi đấu cà kheo, đẩy gậy...