Phát triển du lịch sinh thái để bảo vệ rừng
Cập nhật: 11/04/2008
Đó là một trong những nội dung chính của hội thảo “Sử dụng rừng để phát triển du lịch bền vững” do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) phối hợp với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia của WWF đã đánh giá cao về giá trị tài nguyên đa dạng sinh học của vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) cũng như của Việt Nam nói chung.

Hiện nay, nước ta có khoảng 30 vườn Quốc gia và hàng chục khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã với sự hiện diện của trên 13.500 loài thực vật, 7.700 loài động vật và 2.600 loài cá. Riêng ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có gần 1.500 loài thực vật, trong đó có khoảng 62 loài quý hiếm; 400 loài động vật hoang dã, trong đó có 32 loài được xếp vào sách đỏ. Đây là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của WWF, nguồn tài nguyên quý giá này hiện đang bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực do người dân sống cạnh rừng xâm hại vì mục đích mưu sinh. Theo thống kê, có khoảng 80% dân số vùng ven các vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam đang sống ở mức nghèo và đời sống của họ chủ yếu dựa vào khai thác rừng. Để giải quyết vấn đề này, hội thảo đã chia sẽ những bài học kinh nghiệm về bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững; trong đó, cần định hướng các sản phẩm du lịch đặc hữu gắn với rừng, xây dựng các tour du lịch sinh thái hấp dẫn như: tour “Con đường di sản văn hóa” kết nối với “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Hành trình chim di cư”; tổ chức các lễ hội truyền thống để thu hút du khách; tăng cường giáo dục cho người dân về đa dạng sinh học, vận động người dân tham gia và bảo đảm các lợi ích cho cộng đồng từ nguồn lợi của rừng bằng con đường phát triển du lịch sinh thái.
VOV