Trong những năm gần đây, kinh tế-xã hội (KT-XH) của huyện Vân Đồn đã có những bước phát triển khá mạnh. Bên cạnh thế mạnh về thủy sản, du lịch cũng đang từng bước trở thành một mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển du lịch, huyện Vân Đồn đã có nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch, trong đó quan tâm đến đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch.
Giàu tiềm năng du lịch
Với tổng diện tích trên 2.171km², trong đó diện tích đất tự nhiên 551,33km², phần vùng biển rộng 1.620km², huyện Vân Đồn có hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ nằm trên Vịnh Bái Tử Long, hàng trăm núi đá, đảo đá với nhiều hang động, những bãi cát trắng trải dài bao quanh các xã đảo như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng…đã tạo nên một không gian du lịch biển phong phú, hấp dẫn.
Không chỉ có biển, đảo, Vân Đồn còn có một thế giới động thực vật hết sức phong phú. Theo thống kê của ngành chức năng, Vân Đồn hiện có hệ động vật thủy sinh khá phong phú với 51 loài động vật phù du, 132 loài động vật thủy sản có giá trị cao như: Sá sùng, cầu gai, bào ngư, hải sâm, trai ngọc… Ngoài ra, các loại động vật quý hiếm khác cũng rất phong phú như: Báo lửa, cầy hương, khỉ vàng, tắc kè... Với sự đa dạng và phong phú của các loài động, thực vật, đặc biệt với những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới vẫn còn được bảo tồn trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long chính là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên quan trọng để phát triển các loại hình du lịch thân thiện với môi trường. Trong số các danh lam, di tích nổi bật của Vân Đồn có thể kể đến là khu rừng nguyên sinh trên đảo Ba Mùn. Hệ sinh thái ở đây vô cùng phong phú và đa dạng với hơn 700 loài động vật bậc cao, hơn 2.000 loài thực vật. Gần đây, lượng khách đến tham quan đảo Ba Mùn ngày một đông, chủ yếu là các đoàn khách thích du lịch mạo hiểm, khám phá những nét độc đáo, hoang sơ riêng có của thiên nhiên, rừng núi Vịnh Bái Tử Long.
Bên cạnh những điều kiện tự nhiên ưu đãi thì đây cũng là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ XII, Vân Đồn đã được biết đến là một thương cảng mang tầm cỡ quốc gia, một trung tâm buôn bán sầm uất của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Nơi đây cũng là vùng đất gắn liền với truyền thống chống giặc ngoại xâm với những chiến công lẫy lừng thời Trần - thế kỷ XIII... góp phần hình thành một quần thể các di tích lịch sử - văn hoá như: Thương cảng Vân Đồn, Đình - Chùa - Miếu - Nghè (Quan Lạn), Chùa Trăm gian (Thắng Lợi), Đền Cặp Tiên (Đông Xá), Chùa Cái Bầu… thu hút hàng vạn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm…
Và cách đánh thức tiềm năng
Để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, mới đây, huyện Vân Đồn đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Vân Đồn giai đoạn 2013-2015. Trong đó, huyện đã xác định cần tập trung phát huy nội lực và sức mạnh của các thành phần kinh tế địa phương, đồng thời tích cực thu hút các nguồn lực từ bên ngoài; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất-kỹ thuật tại các trung tâm du lịch, tập trung đầu tư có trọng điểm để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn thiện có chất lượng cao, có quy mô lớn, khắc phục tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng thấp... Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo nhanh chóng xây dựng các loại hình sản phẩm du lịch mới theo xu hướng phát triển thị trường du lịch thế giới trong giai đoạn tới như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, chất lượng cao, quy mô lớn, nhằm hướng đến các thị trường quốc tế tiềm năng và thị trường khách du lịch cao cấp; khai thác bền vững các tiềm năng du lịch biển, đảo, đi đôi với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên và đảm bảo vững chắc an ninh-quốc phòng. Cùng với đó, huyện còn chủ động phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, định hướng phát triển nguồn nhân lực… để xây dựng Vân Đồn thành khu trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao. Đặc biệt, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó phát triển khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao là động lực thúc đẩy KT-XH của Vân Đồn phát triển, trong đó du lịch là một thế mạnh, là động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác cùng phát triển.
Với những chính sách ưu tiên của Trung ương, những cơ chế hỗ trợ đắc lực của tỉnh cùng với sự chủ động phát huy các tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là các tiềm năng, lợi thế về du lịch, đến nay, bộ mặt KT-XH của Vân Đồn đã có bước phát triển đáng kể. Du lịch đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Hiện nay trên toàn huyện có tổng số 98 cơ sở lưu trú, với 1.230 phòng nghỉ, công suất sử dụng phòng trung bình trên 40%. Lượng khách du lịch đến Vân Đồn ngày càng tăng. Năm 2010 là 410.000 lượt (khách quốc tế là 5.500 lượt), đến năm 2012 là 546.000 lượt (khách quốc tế là 12.000 lượt). Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 170.000 lượt du khách đến với Vân Đồn, trong đó có hơn 2.600 lượt du khách quốc tế. Riêng trong đợt nghỉ lễ 30-4 đến 1-5, lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Vân Đồn đã tăng hơn so với cùng kỳ, ước đạt 2,4 vạn lượt khách.