(TITC) - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của cả nước. Nằm trên trục xuyên Á, phía tây kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; phía đông giáp các tỉnh có cảng biển lớn, Tây Nguyên còn được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Với khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, Tây Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm… Đây là xứ sở của nhiều thác nước, núi rừng huyền bí với bạt ngàn cà phê và cao su. Những giá trị du lịch xanh Tây Nguyên tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia: YokDon, Chư Yang Sin (Đắk Lắk); Chư Mom Ray (Kon Tum); Kon Ka Kinh (Gia Lai); Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng); khu bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh (Kon Tum). Nhiều tiểu vùng ở Tây Nguyên có khí hậu ôn hòa mát mẻ, thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, điển hình là thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Nơi đây được ví như một “Tiểu Paris” với vẻ đẹp mộng mơ và nên thơ, cái lạnh cao nguyên ban đêm, sương mù buổi sáng và những dải rừng thông bao quanh thành phố. Đến Đà Lạt, du khách còn có dịp tìm hiểu bộ Mộc bản triều Nguyễn (hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) – Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO công nhận.
Tây Nguyên là nơi tập trung sinh sống của 45 dân tộc với bản sắc văn hóa đa dạng, các di tích lịch sử nghệ thuật có giá trị, các phong tục tập quán đặc sắc. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc, các lễ hội đậm chất dân gian. Đời sống, nét văn hóa độc đáo cùng những cảnh vật ở các buôn làng Tây Nguyên luôn luôn có sức hấp dẫn đối với khách phương xa. Đặc biệt, việc Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cũng là một điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách đến với vùng đất này.
Phạm Phương