Những năm gần đây, khi du lịch Sa Pa phát triển đã làm xuất hiện một thị trường mua bán các đồ thổ cẩm với nhu cầu mua sắm của khách du lịch ngày càng tăng cao. Nắm bắt được tình hình đó, được sự giúp đỡ của huyện, làng thổ cẩm Tả Phìn đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1998 cho đến nay.
Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Tả Phìn đủ kiểu dáng và sắc màu trông thật bắt mắt. Một vài sản phẩm chính có thể kể đến là: những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, các tấm áo choàng thổ cẩm... với đủ sắc màu rực rỡ. Những sản phẩm này hoàn toàn do bàn tay khéo léo tài hoa của các chị em người Mông, người Dao tạo nên với những đường nét hoa văn được thể hiện qua các họa tiết cây cỏ hoa lá, chim muông thật tinh tế luôn gây được sự tò mò hiếu kỳ và đặc biệt hấp dẫn các khách du lịch đến với Sa Pa. Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho khách hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp các mặt hàng này cho các quầy thổ cẩm ở chợ văn hoá dân tộc, các cửa hàng bán đồ lưu niệm của thị trấn Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm thổ cẩm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Nhiều tổ chức, cá nhân từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đă đặt hàng làng thổ cẩm Tả Phìn để bán lại cho khách. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch...
Thổ cẩm là một món quà không thể thiếu được cho du khách mỗi lần đặt chân tới Sa Pa. Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ để dùng trang trí, tô điểm thêm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu hay trong ngày cưới của các đôi trai gái. Những đường nét hoa văn thể hiện trên tấm thổ cẩm là những tinh hoa của nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc làm cho thổ cẩm Sa Pa không thể hoà lẫn được với bất cứ sản phẩm thổ cẩm của vùng nào.