Điều kiện tự nhiên
Trà Vinh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, phía bắc giáp tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, phía tây và tây nam giáp Sóc Trăng, phía đông giáp biển Đông, bờ biển dài 65km.
Đất Trà Vinh là một dải đồng bằng ven biển bao gồm vùng châu thổ được hình thành lâu đời và những vùng đất trẻ mới bồi. Độ cao trung bình từ 2 đến 3m so với mực nước biển. Trà Vinh có hàng trăm gò, giồng đất và một mạng lưới sông rạch và kênh đào chằng chịt đã tưới tiêu và cung cấp phù sa cho cây trồng.
Trà Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nóng ẩm quanh năm. Khí hậu chia 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm từ 25ºC – 27ºC, hiếm khi có bão.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Là một tỉnh đồng bằng giáp biển, nền kinh tế của Trà Vinh chủ yếu là nông ngư nghiệp: trồng lúa, đánh bắt hải sản, kinh tế vườn, nuôi tôm cá... Trà Vinh là vùng đất cây cối xanh tươi, kênh rạch dọc ngang và những giồng đất liên tiếp nhau như sóng bể, vì thế phong cảnh đổi thay hữu tình. Các làng và vườn cây kéo dài trên các giồng.
Với hơn 140 ngôi chùa của cộng đồng người Khmer, bên cạnh 50 ngôi chùa của người Việt (Kinh) và 5 ngôi chùa của cộng đồng người Hoa, vùng đất Trà Vinh có nhiều nét văn hoá mang đậm màu sắc của dân tộc Khmer. Các chùa nổi tiếng gồm có chùa Âng, chùa Sam-rông-ek, chùa Cò, chùa Hang...
Giao thông
Thành phố Trà Vinh xây trên bờ rạch Trà Vinh, cách bờ sông Tiền (Cổ Chiên) 3km. Tỉnh có các đường quốc lộ 53, 54, 60 nối giữa các huyện thị trong tỉnh và với các tỉnh xung quanh. Từ Trà Vinh đi Vĩnh Long 66km, đi Tp. Hồ Chí Minh 205km, đi Bến Tre, Mỹ Tho 110km.