Nhà trăm cột
Điều kiện tự nhiên
Long An là cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long, phía bắc giáp Tây Ninh và nước Cam-pu-chia, phía đông giáp Tp. Hồ Chí Minh, phía nam giáp Tiền Giang và phía tây giáp Đồng Tháp. Là một tỉnh nông nghiệp, đất Long An màu mỡ trải ra trên hai triền sông của hai con sông lớn sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Ở phía bắc tỉnh có một số gò, đồi thấp, còn lại thì bằng phẳng. Phần đất phía tây thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười.
Long An có một mạng lưới sông, ngòi, kênh rạch chằng chịt nối liền nhau, chia cắt địa bàn tỉnh thành nhiều vùng. Thực ra Long An chưa phải là đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ là đồng bằng sông Vàm Cỏ, giữa hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long.
Khí hậu: Long An có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm 27,4ºC, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình 1.620mm/năm.
Tiềm năng phát triển du lịch
Long An hấp dẫn khách du lịch chủ yếu do giá trị nhân văn của nền văn hoá Óc-Eo, một nền văn hoá đã hình thành và phát triển trên châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên do tiếp nhận tinh hoa văn hoá Ấn Độ. Gần 20 di tích tiền sử và gần 100 di tích văn hoá Óc Eo đã được phát hiện với 12.000 hiện vật đã thu thập. Ngoài ra Long An có trên 40 di tích lịch sử cách mạng, công trình kiến trúc và danh lam thắng cảnh quan trọng như: cụm di tích Bình Tả (Đức Hoà), di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, di tích đồn Rạch Cát, ngôi nhà trăm cột...
Dân tộc, tôn giáo
Long An đông dân, chủ yếu là người Việt (Kinh) và đồng bào gốc Khmer ở phía tây tỉnh. Long An có 4 tôn giáo được đông người theo là đạo Phật, Kitô, đạo Cao đài và đạo Tin lành.
Giao thông
Long An có đường quốc lộ 1A chạy qua thành phố Tân An, có quốc lộ 62 tới cửa khẩu Bình Hiệp sang Cam-pu-chia, có quốc lộ 50 từ Mỹ Tho (Tiền Giang) qua huyện Cần Đước, Cần Giuộc tới Tp. Hồ Chí Minh. Long An cách thành phố Hồ Chí Minh 47km.