Điều kiện tự nhiên
Gia Lai là một tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển. Phía bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía tây giáp Cam-pu-chia với 90km là đường biên giới quốc gia, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Khí hậu: Gia Lai có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21ºC - 25ºC. Vùng tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 – 2.500mm, vùng đông Trường Sơn từ 1.200 -1.750mm.
Tiềm năng phát triển du lịch
Gia Lai là đầu nguồn của nhiều hệ thống sông đổ về miền duyên hải và Cam-pu-chia như sông Ba, sông Sê San và các con suối khác. Vùng đất Gia Lai có nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên. Đó là rừng nhiệt đới Kon Ka Kinh và Kon Cha Rang nơi có nhiều động vật quí hiếm; thác Xung Khoeng hoang dã ở huyện Chư Prông; thác Phú Cường thơ mộng ở huyện Chư Sê. Nhiều con suối đẹp như suối Đá Trắng, suối Mơ và các danh thắng khác như bến đò "Mộng" trên sông Pa, Biển Hồ (hồ Tơ Nưng) trên núi mênh mông và phẳng lặng - núi Hàm Rồng cao 1.092m mà đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt.
Gia Lai có truyền thống cách mạng hào hùng, có khu Tây Sơn Thượng, căn cứ địa của vua Quang Trung, là quê hương anh hùng Núp. Nhiều địa danh chiến trường xưa của Gia Lai như Pleime, Cheo Reo, La Răng, nhà tù Pleiku đã đi vào lịch sử.
Tỉnh Gia Lai có cộng đồng nhiều dân tộc chung sống, người Kinh chiếm 52% dân số, còn lại là người Gia Rai (33,5%), Ba Na (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Ho, Nhắng, Thái, Mường...
Dân tộc, tôn giáo
Gia Lai là một vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc, chủ yếu là Gia Rai và Ba Na thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục và nhạc cụ. Các lễ hội đặc sắc ở Gia Lai: lễ Pơ Thi (Bỏ Mả), lễ hội đâm trâu, múa xoang...trang phục ngày hội được trang trí hoa văn nhiều màu sắc thần bí, các điệu múa dân gian và âm thanh vang vọng của các loại nhạc cụ riêng của từng dân tộc như tù và, đàn đá, cồng chiêng... Đến Gia Lai du khách còn được xem những khu nhà mồ dân tộc với những bức tượng đủ loại và những nghi lễ còn rất hoang sơ với tôn giáo đa thần (Tô Tem) còn nhiều nét nguyên thủy.
Giao thông
Tỉnh có trục quốc lộ 14 nối với Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; trục quốc lộ 19 nối với các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quy Nhơn đến Pleiku và đi các tỉnh đông bắc Cam-pu-chia; quốc lộ 25 nối với Phú Yên.