Theo phong tục tang lễ của một số tộc người ở vùng Tây Nguyên, sau khi chôn người chết, người ta làm một chòi nhỏ sơ sài trên nấm mộ để che mưa che nắng cho người chết. Trong chòi thường đặt một số đồ dùng của người đã khuất.
Sau đó một hoặc vài ba năm, thân nhân gia đình người chết phá nhà mồ cũ, dựng nhà mồ mới khang trang hơn, kiên cố hơn, trang trí tượng gỗ, có hàng rào xung quanh nhà mồ.
Tục phá chòi, dựng nhà mồ mới của một số tộc người ở Tây Nguyên thường được tổ chức vào mùa xuân (mùa khô) và được coi như một lễ hội lớn (lễ bỏ mả) của dân bản. Người ta đưa đến nghĩa địa rượu, thịt, cá, các vật cúng tế. Thân nhân người quá cố và dân bản cùng vui mừng, ăn uống, nhảy múa trong một hay nhiều ngày bên nhà mồ để chia biệt vĩnh viễn người quá cố.
Tục bỏ nhà mồ theo quan niệm sau sự kiện này thì người sống hết trách nhiệm trông nom, thờ cúng cho người quá cố và được giải thoát mọi giàng buộc, nếu còn trẻ có thể lấy vợ (hoặc chồng) khác; còn người quá cố sẽ được đầu thai sang kiếp khác…