Phường đúc ở Huế ra đời có nguồn gốc từ tổ chức của những thợ thuyền cùng nghề đúc thời Chúa Nguyễn. Vào thời Chúa Nguyễn, đã ra đời được một công tượng đúc đồng, những người thợ đến từ nhiều nơi làm việc trong những công tượng của Chúa ở Trường Đồng. Phường đúc gồm có 5 xóm, Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.
Khi Chúa Trịnh và Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân thì các công tượng đúc đồng bị tan rã. Riêng chỉ có họ Nguyễn ở Kinh Nhơn vẫn ở lại tại chỗ và tiếp tục nghề đúc của cha ông. Từ những lò đúc của các anh em trong dòng họ Nguyễn, nghề đúc vẫn được duy trì và phát triển cho tới ngày nay.
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Kinh Nhơn thì thuỷ tổ của nghề này là ngài Nguyễn Văn Lương quê ở Kinh Bắc và nghề này đã được truyền thừa qua 13 đời, hiện nay đang là đời thứ 14.
Những người thợ tài hoa phường đúc đã để lại cho cố đô Huế các tác phẩm danh tiếng như Đại Hồng Chung, chùa Thiên Mụ; những chiếc vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Đại Nội; Cửu vị thần công đặt trước Ngọ Môn và đặc biệt là Cửu Đỉnh - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi. Đó là những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam 2 thế kỷ trước.
Ngày nay tại phường đúc có tới 60 lò đúc với khoảng 150 người làm nghề này. Ngoài các sản phẩm thông thường như đúc Đại Hồng Chung, lư hương, các mặt hàng mỹ nghệ, các cơ sở đúc đồng ở phường đúc còn có thể sản xuất những chi tiết máy dùng trong công nghiệp và những linh kiện có tính chính xác cao.