(TITC) - Chùa Ông được cộng đồng người Hoa gốc Quảng Châu và Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) di dân đến Cần Thơ khởi công xây dựng từ năm 1894 đến năm 1896 trên khu đất có diện tích hơn 500m² để làm nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, chùa còn có tên là Quảng Triệu Hội Quán. Chùa có kiến trúc hình chữ Quốc, gồm 2 hạng mục chính là Tiền điện và Chính điện. Tiền điện thờ Mã Tiền Tướng Quân cùng ngựa xích thố (ở bên trái) và Phúc Đức Chính Thần (ở bên phải). Giữa Tiền điện có một bức bình phong được chạm trổ tinh xảo. Trên cửa ra vào có bảng đại tự “Quảng Triệu Hội Quán”. Chính điện chùa gồm 2 gian, thờ Quan Thánh Đế Quân, Đổng Vĩnh Trạng Nguyên, Tài Bạch Tinh Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu và Bồ Tát Quan Âm. Khu vực giữa Tiền điện và Chính điện là sân Thiên tỉnh (Giếng trời) – nơi đặt bàn hương án, 2 bộ binh khí (bát bửu), chậu kiểng và treo nhiều đèn lồng.
Toàn bộ mái chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó bằng gốm men xanh thẫm. Trên nóc chùa trang trí các tượng gốm sứ đủ màu hình lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, chim phượng hoàng… Các bao lam, hoành phi, liễn đối của chùa chạm khắc nhiều phù điêu màu sắc rực rỡ với nội dung phong phú miêu tả các điển tích Trung Hoa. Bờ nóc và hai bên cổng tam quan chùa trang trí nhiều hình bằng sành, sứ tái hiện những điển tích Trung Hoa như “Bát Tiên quá hải”, “Tam Quốc Chí”…
Chùa có 2 ngày lễ vía chính trong năm là ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (23/3 âm lịch) và ngày vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch). Trong những ngày này, đông đảo người dân địa phương và du khách tới chùa thành kính dâng hương, cầu phúc, bình an trong cuộc sống.
Bên cạnh những ngày vía chính, lễ hội tiêu biểu và được mong đợi nhất ở chùa Ông là lễ đấu đèn (đấu giá những chiếc đèn lồng 6 mặt) được tổ chức 10 năm một lần ngay tại chính điện với quan niệm người sở hữu được chiếc đèn lồng sẽ gặp may mắn và thành đạt. Mỗi mặt đèn lồng in hình phong cảnh kèm theo những câu chúc phúc bằng chữ Hán như: “Sinh ý hưng long”, “Hiệp gia bình an”, “Tài lai lộc tấn”... Sáu góc đèn được trạm trổ hình rồng thếp vàng đẹp mắt. Toàn bộ số tiền đấu đèn được dùng cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Vào những dịp lễ Tết, tại chùa Ông còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như múa lân - sư - rồng, thi hát dân ca, hát tuồng…
Chùa Ông đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.
Phương Mai