Tên làng đã mách bảo về nghề chạm vàng bạc nổi tiếng ở đây. Câu chuyện về tổ nghề chạm vàng bạc có liên quan đến ba anh em họ Trần (sinh thời khoảng năm 571-603) từ lâu đã đi vào tiềm thức và lòng tự hào của mỗi người dân làng đồng thời nhắc nhở các thế hệ thợ nghề luôn nhớ về cái nôi ban đầu của nghề chạm vàng bạc.
Thật ra ba anh em họ Trần kể trên cũng không hẳn là ông tổ nghề với danh nghĩa là nhà khai sáng mà họ chỉ là những người có đóng góp cải tiến quan trọng về mặt kĩ thuật. Trước đó khoảng 5 thế kỷ, lịch sử cổ Trung Quốc đã từng ca tụng Châu Giao (tên nước ta hồi đó) là nơi có nhiều vàng bạc châu báu và việc khai thác những kim loại quý này đã khá phát triển. Sử Trung Quốc những năm 187 - 226 sau công nguyên ghi rõ: Sĩ Nhiếp đã gửi sang Trung Quốc những cống phẩm, đứng hàng đầu là những đồ vật bằng vàng, bạc.
Trong nhiều mộ ở thế kỷ II, III, đã thấy đồ trang sức bằng vàng, bằng ngọc như vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai, hạt chuỗi... được gia công tinh tế. Điều đó chứng tỏ trước khi xuất hiện ba anh em họ Trần thì nước ta đã có nghề chạm khắc vàng bạc làm đồ trang sức.
Để có thể chế tác được các sản phẩm vàng bạc tinh xảo đòi hỏi người thợ phải nắm vững 3 khâu kỹ thuật quan trọng của nghề là chạm, đậu và trơn. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết trên mặt các đồ trang sức hay các đồ bằng vàng, bạc. Đồ chạm ngày trước thường là các loại khánh, vòng, kiềng, chóp nón, ống nhổ, ống vôi...
Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ vàng, bạc rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Khâu này đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn nên phần nhiều do phụ nữ làm.
Trơn tức là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, trơn. Người thợ kim hoàn lành nghề không những phải nắm vững cả ba mặt chuyên môn mà trước hết phải nắm vững những thủ thuật luyện kim cổ truyền. Muốn có vàng tốt tức là vàng 10 tuổi (còn gọi là vàng lá, vàng diệp) người ta tiến hành theo kỹ xảo cổ truyền gọi là "chở vàng".
Sau khi những đồ vật đã được tạo thành hình thì đến khâu cuối cùng là đánh bóng. Đồ dùng bằng bạc được xoa bằng cát rồi trải lên trên một dung dịch gồm bồ tạt và vôi sau đó hơ trên lửa. Khi đã nguội đồ vật được ngâm vào một dung dịch phèn đun sôi rồi lại dùng cát cọ lên một lần nữa và cuối cùng lại cọ bằng những mảnh chai. Đồ dùng bằng vàng thì được chải bằng một chất lỏng sánh gồm gạch giã với muối nước, hơ qua lửa rồi làm sạch. Sau đó người ta lại ngâm đồ vật vào một dung dịch có quả tai chua đun sôi, rồi cuối cùng cũng cọ bằng cát và bằng mảnh chai.
Qua những hoa văn, hoạ tiết trang trí trên các sản phẩm, ta nhận thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam.