Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Núi Ba Vì

Vị trí: Thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.
Đặc điểm: Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt.  

Ba Vì là một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng khoảng 5000 ha ở ba huyện: Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km.

Vùng núi cổ Ba Vì là nơi chứa đựng kho tàng thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, giai thoại… rất phong phú và đa dạng. Nơi đây được coi là vùng đất ngự trị của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh), một trong "tứ bất tử" theo tín ngưỡng của người Việt. Vua nhà Đường coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng của nước Đại Việt.

Ba Vì còn là vùng đất địa linh sinh ra nhiều nhân kiệt: Đất hai vua (Ngô Quyền và Phùng Hưng); hai vị tướng là Khổng An, Khổng Thạc thời Thục Phán đã giúp vua Thục đánh tan quân Tần, quân Triệu; bà Man Thiện thân mẫu của hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị…

Núi Ba Vì được tạo lập bởi sự xâm thực, chia cắt các thềm đá gốc và thềm phù sa cổ sông Hồng. Do một biến động địa chất tạo thành, núi Ba Vì chạy theo hướng bắc - nam và mọc lan ra nhiều đồi nhỏ. Các đồi núi này đều là đá lẫn phiến nham, thạch phiến, ma nham hoặc đá đen. 

Theo sách “Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép: “ Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả một vùng, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng tây có sông Đà chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”.


Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là ngọn Tản Viên (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn). Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên có viết: “Núi Tản Viên là dãy núi cao nhất của nước Đại Việt ta. Nơi ấy là nơi linh thiêng và ứng nghiệm bậc nhất trong lòng dân tộc”. Nguyễn Trãi trong sách Dư Địa Chí có nói: “Núi ấy là núi Tổ của nước Việt ta đó”. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản. 

Ngoài núi Tản Viên, trên Ba Vì còn có các núi cao khác như Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi, Ngọc Hoa, núi Vua… Từ trên đỉnh những ngọn núi này, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa quan sát cả một vùng đồng bằng rộng lớn với đồng ruộng, thành phố, làng mạc, sông hồ. Ở chân núi phía tây của dãy Ba Vì có dòng sông Đà uốn lượn, phía đông có hồ nhân tạo Suối Hai dài 7km, rộng 4km với 14 đảo lớn nhỏ thực chất là những ngọn đồi nhô lên mặt nước. 

Khu vực núi Ba Vì hiện có gần 100 ngôi đình, đền thờ Thánh Tản Viên – Sơn Tinh. Dưới chân núi có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Ngoài ra còn có:  Đền Đá Đen, Đền Vật Lại, Đền Măng Sơn, Đền Khánh Xuân, đình Yên Nội, Đình Tây Đằng, đình Mỗ Lao, đình Quất Động, đình Đông Viên, đình Quan Húc, đình Phú Thứ, đình Thanh Hùng, đình Thụy Phiêu v.v…

Vùng núi Ba Vì còn nổi tiếng với tiềm năng du lịch sinh thái với nhiều địa danh nổi tiếng: Khu du lịch Khoang Xanh – Suối Tiên, Thác Đa, Suối Mơ, Thiên Sơn - Suối Ngà, Ao Vua, Đầm Long, Sân Golf Đồng Mô... Ở các độ cao 400m và 600m còn có hai khu nghỉ mát được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Tại khu vực này, hiện có tới gần 200 biệt thự và khách sạn nghỉ dưỡng. 

Trên dãy Ba Vì còn có nhiều cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật rất đa dạng. Trên núi là các khu rừng già có nhiều lâm thổ sản quí như gỗ, song mây, trẩu, sơn, cây thuốc nam và các loài thú được bảo vệ như hổ, báo, gấu, cầy bay… Vườn quốc gia Ba Vì là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của Ba Vì.

Theo các tài liệu nghiện cứu về khảo cổ học thì vùng núi Ba Vì còn rất nhiều các hiện vật bằng đá như rìu, bàn mài, chì lưới, mũi nhọn, bàn dập, hòn kè, giáo, đục, mũi tên, đồ trang sức và nhiều các hiện vật là đồ đồng, đồ gốm có niên đại từ thời văn hóa Sơn Vi, tồn tại qua bốn giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, đến Đông Sơn cách ngày nay hàng nghìn năm.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM