Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra vào năm 1884 tại Bắc Giang rồi lan rộng tới các tỉnh: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám, cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm đã thể hiện sự bền bỉ và tinh thần bất khuất của nông dân Việt Nam trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Năm 1984, nhân dân Yên Thế và các vùng lân cận đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Yên Thế tại Phồn Xương. Từ đó đến nay, đã thành thông lệ, cứ đến ngày 16/3 dương lịch hằng năm, lễ hội Yên Thế lại được long trọng tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách thập phương.
Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như múa lân; thả diều; bịt mắt bắt dê; thi nấu cơm niêu; ném còn; kéo co; thi bắn nỏ; chọi gà; biểu diễn văn nghệ; thi võ; cờ tướng (cờ người); bóng bàn; bóng đá; hội chợ trưng bày các sản vật của địa phương; hội trại thanh thiếu niên…Vào sáng ngày 16/3 dương lịch, lễ hội chính thức diễn ra bằng lễ dâng hương tưởng niệm người anh hùng áo vải tại khu vực tượng đài Hoàng Hoa Thám. Sau lễ dâng hương là lễ tế cờ tái hiện lại nghi thức phát động cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Tiếp đó, lễ diễu hành biểu trưng cho sức mạnh của nghĩa quân Yên Thế xưa được cử hành một cách trọng thể trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vang.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, nhà trưng bày về cuộc khởi nghĩa Yên Thế mở cửa đón du khách đến tham quan những hiện vật, hình ảnh quý về hoạt động của nghĩa quân Yên Thế hơn một thế kỷ trước.