(TITC) - Từ thành phố Bắc Giang, qua cầu sông Thương rồi rẽ phải theo tỉnh lộ 398 khoảng 15km, du khách sẽ đến thị trấn Cao Thượng. Từ đây, theo đường tỉnh lộ 295 về phía tây khoảng 6km, qua cầu Xi rồi rẽ phải đến UBND xã Ngọc Châu, tiếp tục theo đường liên xã chừng 3km nữa là tới đình Bằng Cục.
Theo nội dung tư liệu bằng chữ Hán-Nôm khắc trên các cột cái và kết quả khảo sát nghệ thuật chạm khắc ở đình Bằng Cục, công trình này được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 và trùng tu khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Đình có chiều dài 20,4m, rộng 10,6m, gồm 3 gian, 2 chái. Tường đình được xây bằng gạch chỉ. Mái đình lợp ngói mũi hài. Chính giữa bờ nóc có đắp hình “lưỡng long chầu nhật”. Trước đình là một sân gạch rộng, tạo không gian thoáng mát. Các cột chịu lực trong đình đều được làm bằng gỗ lim và gỗ tứ thiết. Trong 3 gian của đình thì gian chính giữa hội tụ những giá trị điêu khắc tinh tế và độc đáo nhất. Đây là nơi đặt ban thờ Thánh và thượng cung. Mặt trước thượng cung được chạm khắc toàn hình rồng và long mã ngậm ngọc đang phi, ở chính giữa là hình “lưỡng long chầu nhật”. Đặc biệt, trên hệ thống ván bưng hai hồi của thượng cung chạm hình ảnh tiên nữ đầu đội vương miện diềm cánh sen đang cưỡi rồng. Ban thờ Thánh phía trước thượng cung cũng được chạm lộng hình ảnh tiên nữ cưỡi rồng. Bức cửa võng ở gian giữa là một bức tranh nghệ thuật tuyệt đẹp với hình ảnh chạm khắc toàn rồng, lân.
Hai chái đầu hồi của đình Bằng Cục trang trí hình ảnh rồng lớn được vây quanh bởi các chú rồng con đang nô đùa. Bên cạnh 2 chái đầu hồi là bức bình phong đắp nổi tượng võ sỹ mặc áo giáp, tay cầm đao đứng uy nghiêm. Kế tiếp là 2 cột đồng trụ đắp nổi đôi nghê.
Ngoài kiến trúc đẹp, độc đáo, đình Bằng Cục còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: 3 bát hương bằng gốm Phù Lãng có niên đại thế kỷ 19, 1 đòn kiệu bằng gỗ thời Nguyễn, 1 bài vị bằng gỗ thời Nguyễn có đề 6 chữ Hán “Cao Sơn - Quý Minh Đại vương”...
Đình cũng là nơi chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử. Nghĩa quân Đề Thám trong thời kỳ chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đã chọn đình làm địa điểm liên lạc. Từ năm 1943-1944, đình là địa điểm liên lạc bí mật của tổ chức Việt Minh trong vùng. Từ năm 1951-1952, đình là nơi tập luyện quân sự của Trung đoàn 36 nhằm tăng cường lực lượng cho chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên).
Hàng năm, hội đình Bằng Cục được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: thi thổi cơm, chọi gò, múa võ, đấu vật, bắn cung...
Ngày 18/11/2015, đình Bằng Cục đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Thanh Hải