Bia đá có chiều cao 3m, ngang 1,2m, bề dầy 0,2m. Mặt bia chạm 629 chữ mô tả công trình đào kênh Thoại Hà và nói lên tình cảm của Thoại Ngọc Hầu với triều đình, với nhân dân.
Vào đầu thế kỷ 19, vùng Thoại Sơn rất hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ lấp, thuyền qua lại không nổi. Con sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi giao thông của tàu thuyền từ Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau. Năm 1817 khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần (Ba Dầu hiện nay). Chủ trương đào kênh của ông được vua Gia Long chấp thuận và vào mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công. Kênh đào theo lạch nước cũ nên sau một tháng đã hoàn thành. Bề ngang kênh 61m, chiều dài tới Rạch Giá là trên 30km và là con kênh đào sớm nhất ở miền Nam. Nó có vị trí quan trọng cho giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp của huyện Thoại Sơn.
Khi công trình đào kênh hoàn tất, vua Gia Long rất khen ngợi ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho sông là Thoại Hà (Sông Thoại). Trên bờ phía đông của Thoại Hà có một ngọn núi, tục gọi là núi Sập, vua liền cho đổi tên là Thoại Sơn (Núi Thoại) để tặng thưởng công lao khó nhọc của Thoại Ngọc Hầu.
Để ghi dấu một kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình, Thoại Ngọc Hầu soạn một bài văn khắc vào bia đá. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), Thoại Ngọc Hầu long trọng làm lễ dựng bia tại miếu thờ Sơn thần (nay là ngôi đình thờ ông làm Thành Hoàng) bên triền núi Sập.