Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Tả Van Giáy

Vị trí: Thôn Tả Van Giáy thuộc xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Đặc điểm: Đến đây, du khách sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về phong cách, lối sống của người Giáy vừa truyền thống vừa hiện đại.

Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, du khách sẽ đến xã Tả Van.  Tiếp tục rong ruổi trên con đường vòng vèo, dốc xuống tận chân núi Hoàng Liên Sơn, du khách sẽ đến với thung lũng Mường Hoa. Tại đây, hướng tầm mắt ra phía xa xa, du khách thấy thấp thoáng trong làn sương mỏng một chiếc cầu treo vắt vẻo bắc qua suối Mường Hoa - đường vào thôn Tả Van Giáy, với hai bên đầu cầu là những bụi lau, sậy; những vạt hoa đỗ quyên... đang đu đưa trong gió và điểm đáng chú ý là ngôi miếu thờ 3 gian - nơi mà người Giáy tổ chức lễ hội “Nào Cống”, được dựng ngay ở đầu cầu treo; pha lẫn trong khung cảnh thiên nhiên đó, du khách sẽ thấy thoang thoảng bên tai mình tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim rừng đang gọi bạn tìm nhau... 

Đường vào thôn Tả Van Giáy nhỏ, hẹp và là đường đất. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang màu mỡ được tổ điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non. Khi tới thôn Tả Van Giáy, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, mộc mạc pha lẫn vẻ khang trang, lịch sự của những ngôi nhà trong thôn.

Trước đây, Thôn Tả Van Giáy được hình thành dựa trên những phong tục, tập quán và sinh hoạt đặc trưng của người Giáy ở Lào Cai. Họ cư trú quần tụ với hàng trăm nóc nhà và thành từng luổng (làng), bán (bản), mướng (mường) trên các địa hình của vùng thấp: ở chân đồi; núi; những thung lũng ven sông, ven suối. Giống như các nhóm dân tộc Tày - Thái, họ rất ít khi sinh sống ở sườn núi, đỉnh núi. Do sống cùng trên một địa bàn cư trú, theo tiến trình lịch sử, người Giáy đã giao lưu và có chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tày, Thái, Nùng từ ngôn ngữ đến nhà cửa, trang phục và một số sinh hoạt văn hóa...

Người Giáy có nghề chính là trồng lúa nước. Ngoài ra, họ còn tự rèn được dụng cụ sản xuất và chạm khắc bạc. Họ ở cả nhà sàn và nhà đất với gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách. Người Giáy có nền văn hóa khá phong phú với những truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao...

Trang phục của người Giáy rất đơn giản: nữ giới mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng; tóc vấn theo kiểu vành khăn và thường đeo túi vải có thêu hoa văn; nam giới cũng mặc quần, áo và đầu vấn khăn.

Ngày nay, người Giáy ở thôn Tả Van Giáy đã có cuộc sống khấm khá hơn với một nền văn hóa khá văn minh. Toàn thôn có trên 20 hộ thì hầu hết là làm du lịch; đặc biệt, loại hình du lịch bản làng đang được người dân ở đây mở rộng và khai thác.

Hiện nay, thôn đã được Ngành an ninh và du lịch tỉnh Lào Cai cấp giấy phép được đón du khách khi họ muốn dừng chân hay nghỉ ngơi qua đêm ở đây. Đại đa số các hộ ở đây, hộ nào cũng xây dựng nhà cửa khang trang, sạch sẽ: có đầy đủ giường đệm, chăn màn đẹp, có hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh tiện lợi... Bên cạnh đó, họ còn được mở rộng về kiến thức văn hóa - du lịch, học cách giao tiếp với khách nước ngoài và có thể chế biến các món ăn đặc sản dân tộc hấp dẫn để phục vụ du khách.

Đồng bào Giáy vốn rất yêu văn nghệ. Ngoài việc làm du lịch, kinh doanh nhà nghỉ, họ còn tham gia biểu diễn văn hóa - văn nghệ để phục vụ du khách. Hiện nay, đội văn nghệ xã Tả Van có tổng số 50 thành viên, thôn Tả Van Giáy đã chiếm già nửa. Nhiều chị, ban ngày là những người nông dân chất phác, chịu thương, chịu khó nhưng ban đêm, trước các du khách, các chị hóa trang, tô điểm trở thành những cô sơn nữ yểu điệu, tươi tắn trong từng điệu múa Then, múa Kèn và tình tứ trong điệu hát giao duyên...

Có dịp đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức một số món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc do người Giáy chế biến như: cá suối nướng Mường Hum, thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà, xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn..., được hòa mình trong không khí lễ hội, các trò chơi dân gian của người Giáy như; lễ Nào Cống, Roóng Poọc (xuống đồng), ném còn, đánh yến... và cùng tham gia các tour du lịch bản làng. 

Những giá trị nhân văn, cao đẹp trong tính cách, tâm hồn đồng bào dân tộc Giáy ở Sa Pa chính là điểm nhấn ấn tượng nhất trong nhật ký của các lữ hành; để rồi khi rời mảnh đất này, họ vẫn cảm thấy nuối tiếc, lưu luyến, muốn quay trở lại không chỉ thêm một lần...

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM