Đình Nam Đồng nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng gần đường Xã Tắc. Đình thờ Lý Thường Kiệt, người anh hùng dân tộc vào thế kỷ 11. Ông tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019, là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, người làng Cơ Xá, sau sang ngụ ở phường Thái Hòa thành Thăng Long. Gia đình ông nhiều đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài và có công với đất nước, Ông vào triều từ năm 23 tuổi với chức Hoàng môn chi hậu. Nhiều năm làm quan trong hai triều đại vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông, Ông đã được phong rất nhiều tước hầu như Bổng Hành Quân Hiệu Úy, Kiêm Hiệu Thái Bảo. Đến năm 1069 làm Nguyên Soái Đại Tướng trong trận đánh quân Chiêm, khi thắng trận lại được phong làm Phụ Quốc Thái Phó và Phụ Quốc Thượng Tướng Quân. Năm 1072, Ông làm Đôn Quốc Thái Úy Đại Tướng Quân, Đại Tư Đồ và tước hiệu Thượng Phụ Công với vai trò phụ chính trong triều nhà Lý, nắm toàn quyền văn lẫn võ, giúp Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và Vua Lý Nhân Tông điều hành đất nước. Vì có công lao rất lớn với đất nước, ông được ban mang họ vua (là Lý Thường Kiệt). Ông được lịch sử ghi nhận là một anh hùng dân tộc kiệt xuất, vị thái giám đầu tiên của các triều đại phong kiến Việt Nam đã lập được nhiều chiến công hiển hách góp phần không nhỏ, tạo nên những trang sử huy hoàng trong cuộc đấu tranh chống quân xâm lược của đất nước.
Sau trận đánh Như Nguyệt 1076, ông được vua ban về đóng quân ở trại Nam Đồng. Ông đưa dân đến đây để lập trại, chỉ bảo cách làm ăn cho hưởng rất nhiều quyền lợi để khai hoang sinh sống. Ông mất tại Nam Đồng năm 1105 hưởng thọ 87 tuổi, Vua Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập Nội Điện Đô Tri Kiểm Hiệu Thái Úy Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Việt Quốc Công, và cho lập đền thờ ở nhiều nơi để đời đời thờ phụng. Ông được nhân dân Nam Đồng tôn là Thành hoàng làng, tương truyền mộ ông còn ở đất làng Nam Đồng.
Để tưởng nhớ công đức của ông đình Nam Đồng đều tổ chức lễ vào 17 tháng 2 là ngày sinh và 2 tháng 6 là ngày mất của Ông. Lễ chính vẫn được diễn ra hàng năm vào ngày 17 tháng 2.
Lễ hội đình Nam Đồng được tổ chức trong 2 ngày được dân làng và các làng trong vùng đến dự rất đông. Chương trình lễ hội diễn ra như sau:
Ngày 16/2: Buổi sáng, bắt đầu với tiết mục tế lễ do đội nam tế của các cụ ông trong làng thực hiện, sau đó dân làng vào lễ Thánh. Buổi chiều, biểu diễn ca nhạc văn nghệ, các trò chơi dân gian
Ngày 17/2: Buổi sáng, làm lễ đọc thần phả của đình với sự có mặt của dân làng, khách thập phương, sau đó là các dòng họ và cá nhân của làng vào dâng lễ Thánh. Tiếp theo là lễ dâng hương của đội tế nam rồi đến lễ tế của đội tế nữ. Sau lễ tế, dành cho khách thập phương vào dâng hương và lễ Thánh. Đến trưa mời khách thập phương và dân làng vào thụ lộc Thánh. Buổi chiều, tiếp tục đón nhân dân vào lễ Thánh, sau đó là những tiết mục văn nghệ và các trò chơi. Đến xế chiều các cụ ông trong trang phục tế lễ làm lễ giã hội.
Bài và ảnh Huy Hoàng