Đền Ghênh nằm ở thôn Ngọc Quỳnh được xây dựng vào năm Ất Mùi (1115). Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh ngày mùng 7 tháng 3 năm 1044 (Giáp Thân) quê làng Thổ Lỗi (còn gọi là làng Ghênh Sủi), phủ Thuận An, sứ Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh. Tuy xuất thân trong gia đình lao động, nhưng Bà đã sớm nổi tiếng là một người thông minh xinh đẹp. Năm bà 18 tuổi, nhân vua Lý Thánh Tông đi tuần du qua vùng này, gặp bà đang làm cỏ ở nương dâu, qua đối đáp, thấy bà là người nết na thông minh xinh đẹp và hiền dịu, vua bèn đưa Bà về Thăng Long và phong làm Ỷ Lan phu nhân. Bà sinh cho nhà Vua hai hoàng nam là Lý Càn Đức và Lý Minh Nhân, sau này Lý Càn Đức nối ngôi Vua hiệu là Lý Nhân Tông. Vua phong cho Ỷ Lan Phu nhân là Thần phi và đổi tên làng từ Thổ Lỗi sang Siêu Loại. Bà là người phụ nữ duy nhất của đất nước đã hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước.
Đó là vào năm 1069, Bà mới 25 tuổi, vua Lý Thánh Tông bận chinh chiến ngoài biên ải, Bà đã cùng các đại thần đề ra những kế sách quyết đoán, táo bạo để khắc phục nạn đói, đẩy mạnh sản xuất, trừng trị bọn phản loạn định nhân cơ hội nhà vua đi đánh giặc để tranh giành ngôi báu.
Đến năm 1072, Vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, Thái tử nối ngôi còn nhỏ tuổi, Bà là Hoàng Thái hậu lại một lần nữa thay Vua cùng Thái úy Lý Thường Kiệt giữ vững kỷ cương triều chính, đập tan âm mưu xâm lược của quân Tống.
Bà đã có công đưa ca múa dân gian vào cung đình, đắp đê chống lụt, khuyến khích phát triển nông nghiệp, làm thủy lợi, phát triển nghề thủ công, ra sắc lệnh cấm giết trâu bò cày. Chủ trương phát triển nghề nuôi tằm, dệt vải. Bà quan tâm đến tầng lớp dân nghèo, lấy tiền trong kho của triều đình chuộc các cô gái nhà nghèo đã bán mình để ở đợ, rồi lập gia đình cho họ.
Vào năm 1115, thấy mình tuổi đã cao, Bà về quê lập đền ngay trên nền nhà cũ. Khi về đến làng, Bà cho đổi tên là thôn Ngọc Kinh, xã Như Kinh, tổng Như Kinh, để người dân được hưởng mọi quyền lợi như người dân kinh đô. Bà qua đời vào ngày 25 tháng 7 năm 1117 (Đinh Dậu) hưởng thọ 73 tuổi, Bà được rước về Kinh đô, sau đó hỏa táng, tro đưa về quê hương nhà Lý ở phủ Thiên Đức (nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Để tưởng nhớ công ơn của Bà, nhân dân làng Như Quỳnh vẫn tổ chức các lễ vào ngày sinh và ngày mất của Bà.
Đền Ghênh được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, chia làm ba phần gồm có chính tiền tế, bái đường và hậu cung, chính điện quay về hướng nam, nhìn xuống Tam giao thủy.
Từ phía xa đã nhìn thấy tam quan của đền được xây dựng theo kiến trúc cổ, đi vào trong sân đền có một phiến đá rất lớn để nhân dân đặt đồ tế lễ.
Toàn bộ ba tòa ở đền được xây dựng trên nền cao có 9 bậc lên xuống bằng đá hoa cương (gọi là cửu trùng) ở hai bên cửa lên xuống có hai phỗng đá quỳ khoanh tay, đánh dấu sự quy hàng của vua Chiêm Thành. Tiền tế là nơi tế lễ, biểu diễn văn nghệ trong những ngày lễ hội. Trong bái đường với những lễ khí lộng lẫy, còn treo những bức hoành phi câu đối cổ. Hai bên nhà tiền tế mới được xây dựng thêm hai dãy nhà để làm nơi đón tiếp khách thập phương đến dâng hương. Hậu cung còn bức đại tự: “Mẫu nghi thiên hạ” và đôi hàng câu đối cổ nói về công đức của Bà. Tượng của đức Thái Hậu Ỷ Lan được đặt trong long kiệu sơn son thiếp vàng có 6 vị nữ đứng hầu cùng nhiều đồ thờ bằng gỗ và gốm sứ.
Sau đền có hai giếng nước trong xanh quanh năm không bao giờ cạn gọi là mắt rồng, trên bờ có hai cây đa cổ thụ lớn nhất vùng gọi là mi rồng, bên phải đền có một cái ao to là nơi biểu diễn múa rối vào những ngày hội lớn. Chính giữa hai hồ nước là nhà điện Mẫu, thờ Tam tòa Thánh Mẫu, công đồng và hội đồng các quan.
Sát bên phải đền là chùa, trước cửa trồng cây hoa ngọc lan, tượng trưng cho tên của Bà. Cạnh cây hoa Ngọc Lan là mô hình tháp Kính Thiên được xây bằng đá. Đền còn có bia đá ghi lại những năm xây dựng, trùng tu tôn tạo đền.
Đền Ghênh là một công trình kiến trúc mang phong cách triều đại nhà Lý, là nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước.