Từ thành phố Đồng Hới đi theo đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) về phía nam khoảng gần 20km đến địa phận xã An Ninh, rẽ phải đi theo con đường nhựa khoảng 8km, du khách sẽ đến chân núi Thần Đinh. Nếu đi đường thuỷ, theo thuyền từ sông Nhật Lệ hoặc sông Kiến Giang qua cầu Long Đại đến địa phận xã Trường Xuân, rồi lên đường bộ đi thêm 2km nữa, du khách cũng có thể đến được khu vực núi.
Núi có hình dáng tựa như một đụn rơm lớn, nhưng đỉnh lại tương đối bằng phẳng. Để lên đến đỉnh núi, du khách phải vượt qua hơn 1.200 bậc đá với cây cối um tùm mọc 2 bên đường đi. Càng lên cao, không khí càng mát mẻ, thoáng đãng. Leo lên khoảng hai phần ba đường, du khách sẽ tới một cái hang lớn gọi là Chùa Hang. Trước hang, về phía tả có động Chuông, phía hữu có động Trống do thạch nhũ trong động rũ xuống, gõ vào vang lên âm thanh như tiếng chuông, tiếng trống. Cửa Chùa Hang hẹp, phải lách nghiêng người mới vào được. Bên trong hang có những phiến đá hình cái bàn, chiếc ghế, bên trên có nhiều hòn đá nhỏ hình Phật, tiên. Từ trần hang rũ xuống vô số thạch nhũ muôn hình vạn trạng trông rất ngoạn mục. Tiếp tục leo lên khoảng 300 bậc đá theo triền núi, du khách sẽ bắt gặp giếng Tiên nước đầy ắp, trong vắt và ngọt mát.
Lên đến đỉnh núi Thần Đinh nằm ở độ cao 405m so với mực nước biển, du khách sẽ thấy chùa Kim Phong (chùa Non).
Tương truyền, chùa Kim Phong được lập vào năm Chính Hòa thứ 21 (1701). Trụ trì chùa là sư thầy An Khả - một người thông minh, tài trí, khí chất hiền hòa. Trước khi viên tịch, sư thầy đã cắt một đốt ngón tay út ghi chữ “Đinh” rồi đặt vào đáy lư hương ở chùa, phần còn lại của ngón tay lại ghi chữ “Thần”. Sau này, thầy đầu thai trong hình hài Vua Càn Long (1736-1796) của Trung Quốc (Vua Càn Long sinh ra cũng mất một đốt ngón tay út). Linh cảm kiếp trước có duyên cơ với chùa Kim Phong, Vua Càn Long bèn cho đúc một quả chuông và sai thủy quân mang sang tặng chùa Kim Phong. Thuyền chở chuông vào đến cửa sông Nhật Lệ thì không may bị bão tố nhấn chìm. Sau này, một ngư dân ở huyện Bố Trạch trong một lần thả lưới đã kéo được quả chuông, nhìn chuông thấy có đề chữ “Thần Đinh Tự chung” và “Càn Long phụng cúng” (Chuông chùa Thần Đinh, Càn Long phụng cúng) nên đã đem cúng vào chùa Kim Phong.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi, chùa Kim Phong xưa chỉ còn lại những bức tường đá rêu phong lưu lại dấu tích ngôi chùa cổ. Hiện nay, ở chùa Phổ Minh (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có treo một quả chuông đồng cổ phỏng theo chiếc chuông của Vua Càn Long. Chếch về bên phải chùa Kim Phong khoảng 20m, trên một khoảng đất bằng phẳng còn có một ngôi miếu cổ mái lợp ngói liệt hình vảy cá, bệ thờ vẫn còn nguyên vẹn.
Đứng trên đỉnh núi, du khách còn có dịp ngắm nhìn cảnh sắc tươi đẹp của vùng đất Quảng Bình với dòng sông Rào Trù, Rào Đá uốn mình lúc ẩn, lúc hiện dưới chân núi, sau những rặng cây xanh hay dòng sông Nhật Lệ cùng dòng Kiến Giang hiền hòa ôm lấy thị trấn Quán Hàu - trung tâm kinh tế huyện Quảng Ninh. Con đường Hồ Chí Minh như một dải lụa trắng vắt ngang dòng sông, tạo nên một bức tranh thủy mặc sống động, đầy sức hút.
Sau khi vãn cảnh núi Thần Đinh, du khách có thể ghé thăm đền thờ và khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ danh tướng Hoàng Hối Khanh (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy) hay tham quan nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy). Đây là những di tích lịch sử tiêu biểu của vùng đất Quảng Bình.
Quảng Bình được xem là địa phương có nhiều thế mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động, du lịch biển kết hợp nghỉ dưỡng. Với phong cảnh nên thơ, trữ tình cùng nhiều di tích cổ, núi Thần Đinh đã góp thêm cho Quảng Bình một địa chỉ văn hóa, tâm linh độc đáo, làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của địa phương.