Trần Thương là miền đất trù phú với thế đất “Hình nhân bái Tướng”, là điểm giao của “Lục đầu khê” (6 con mương) nên rất thuận lợi về giao thông đường thủy. Với tầm nhìn chiến lược, Trần Hưng Đạo (1232-1300) đã chọn khu vực này để cất giữ lương thảo, khí giới phục vụ quân đội trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285). Cuộc chiến giành thắng lợi vẻ vang, Trần Hưng Đạo đã trở về khu vực kho lương chính (Trần Thương) để cắm sinh phần, miễn tô thuế cho dân. Khi ông mất, người dân địa phương đã dựng đền thờ trên vị trí kho lương chính và tôn ông làm Đức Thánh Trần.
Hàng năm, từ ngày 18 – 20/8 âm lịch, Ban Quản lý đền lại tổ chức lễ hội đền Trần Thương nhằm tri ân công đức to lớn của Đức Thánh Trần, đồng thời phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội đền Trần Thương gồm hai phần. Phần lễ có các nghi thức như: lễ rước kiệu, lễ dâng hương, tế lễ… trong đó lễ “diễn xướng Thanh Đồng” và rước nước là những lễ nghi đặc trưng với ý nghĩa tôn vinh công lao, tài, đức của Đức Thánh Trần; đồng thời cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, “phong đăng, hòa cốc”, “quốc thái, dân an”. Phần hội gồm nhiều trò chơi mang đậm màu sắc văn hóa dân gian truyền thống như đánh cờ tướng, bơi chải, đi cầu kiều, tổ tôm điếm, kéo co, bịt mắt đập niêu, bắt vịt dưới nước,... Trong đó, thi đấu cờ tướng là một hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa nhằm tái hiện tài thao lược quân sự của Trần Hưng Đạo.
Ngoài lễ hội truyền thống, vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng hàng năm, Ban Quản lý đền Trần Thương còn tổ chức Lễ phát lương để ban lộc đầu xuân của Đức Thánh Trần cho nhân dân và du khách thập phương; đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ con cháu biết xây dựng những kho lương để đề phòng khi có binh biến.