Ðền Lảnh Giang tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 3.000m2, bao quanh là không gian xanh của vườn nhãn, đầm sen, bến nước. Cửa đền hướng ra dòng sông Hồng mênh mông sóng nước.
Sau nhiều lần tu sửa, kiến trúc đền hiện nay gồm các công trình: hồ bán nguyệt, tam quan và đền chính. Hồ bán nguyệt được trồng hoa súng đỏ, giữa hồ là ngọn bảo tháp 2 tầng và cây cầu cong tạc hình “lưỡi long hướng địa” nối bảo tháp với tam quan. Tam quan đền xây theo kiểu chồng diêm tám mái với các đầu đao cong vút đắp nổi hình đầu rồng, đan xen là mặt nguyệt, lá lật cách điệu mềm mại. Ðền chính có kiến trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc bao gồm 3 tòa với 14 gian lớn, nhỏ. Trong đó, nổi bật nhất là tòa Trung đường được dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái cong.
Ngoài kiến trúc bề thế, đền Lảnh Giang lưu giữ nhiều đồ thờ giá trị như: khám long đình, khám đặt tượng 3 vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, kiệu bát cống long đình, sập thờ và nhiều hoành phi câu đối, nhang án…
Đền còn là trung tâm của các phong trào cách mạng ở Mộc Nam. Tháng 7/1945, nhân dân trong vùng tập trung ở sân đền nghe cán bộ cách mạng tuyên truyền chủ trương khởi nghĩa. Tháng 10/1940, đây cũng là căn cứ địa tin cậy để cán bộ, đảng viên huyện về nằm vùng hoạt động trong kháng chiến chống thực dân Pháp…
Hàng năm, đền Lảnh Giang tổ chức hai kỳ lễ hội, từ ngày 2 đến 5 tháng 6 âm lịch và 20 tháng 8 âm lịch. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, rước thánh, còn có phần hội gồm nhiều hoạt động hấp dẫn như: chọi gà, đánh gậy, đấu cờ người, tổ tôm điếm, múa sư tử, thi thổi cơm trên quang gánh, diễn tập trận giả, hát chầu văn, thi bơi chải trên sông Hồng...
Ngày 5/11/1996, đền đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Từ thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên), theo quốc lộ 38 khoảng 8km đến thị trấn Hòa Mạc, đi tiếp 3,5km đến cầu Yên Lệnh rồi rẽ trái theo bờ đê sông Hồng 2km, du khách sẽ tới đền Lảnh Giang.
Tương truyền, ở trấn Sơn Nam có đôi vợ chồng ăn ở phúc đức nhưng mãi không có con. Một hôm, đang dạo chơi, người vợ gặp một cô gái mồ côi đi tha phương cầu thực liền nhận làm con nuôi, đặt tên là Quý. Trong một lần ra bờ sông tắm gội, nàng Quý bị 1 con thuồng luồng lao tới quấn 3 vòng quanh người. Sau đó nàng có thai đã chuyển đến trang Hoa Giám (nay là thôn Yên Lạc) sinh sống để tránh lời dèm pha. Sau khi sinh ra một cái bọc, nghĩ là điềm gở, nàng Quý đã vứt cái bọc xuống sông. Cái bọc trôi theo dòng nước tới trang Đào Động (nay là xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) rồi mắc vào lưới của một người đánh cá. Sau nhiều lần gỡ bỏ nhưng cái bọc vẫn cứ mắc lưới, người đánh cá thấy lạ bèn khấn vái thần sông và lấy dao rạch ra thì thấy ba con rắn từ trong bọc chui ra trườn xuống sông. Vào thời đó, Thục Phán thuộc dòng dõi tôn thất Vua Hùng thấy Vua Hùng thứ 18 đã cao tuổi mà không có con trai nối dõi nên đã cầu viện giặc phương Bắc nhằm cướp ngôi. Biết Thục Phán làm phản, Vua Hùng cho lập đàn cầu trời đất và đêm ấy nhà vua mơ thấy sứ giả từ trời xuống truyền rằng triệu 3 vị thủy thần đội lốt rắn sẽ dẹp được giặc. Vua Hùng tỉnh giấc liền sai người đi tìm theo lời sứ giả. Khi đến trang Đào Động, 1 trong 3 con rắn đã hiện thân thành người tên Vĩnh yết kiến và xin đem theo 2 anh em rắn cùng nhiều quân binh đi đánh giặc. Dưới sự chỉ huy của ông Vĩnh, quân Vua Hùng thứ 18 đã đánh tan đạo quân Thục Phán. Để ban thưởng, Vua Hùng đã phong ông là Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần nhưng ông không nhận và xin phép cùng hai anh em rắn về quê mẹ sinh sống. Sau khi ông mất, nhà vua phong ông là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần, đồng thời đặt lệ, ban sắc chỉ cùng tiền cho người dân địa phương rước thần hiệu, dựng đền (đền Lảnh Giang bây giờ) thờ ông cùng hai anh em rắn.
|
Thanh Hải