(TITC) - Truông Bồn là một đoạn đèo dốc dài khoảng 5km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 đi qua địa phận xã Mỹ Sơn. Nhờ địa hình hiểm trở với nhiều dãy núi nằm dọc hai bên đường như núi Voi, Mồng Gà, Cột Cờ... nên con đường qua Truông Bồn, luôn đảm bảo sự kín đáo, an toàn và là nơi lý tưởng để trú chân, ẩn náu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo”, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Phát hiện được vị trí “yết hầu” của Truông Bồn, đế quốc Mỹ liên tục ném bom bắn phá, hủy diệt tuyến đường này. Từ năm 1964 đến 1968, chúng đã trút xuống mảnh đất này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa; tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân địa phương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta. Với tinh thần “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngày đêm bám trụ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại; đào đắp hàng triệu mét vuông đất đá; đưa hàng ngàn lượt xe cơ giới vượt qua an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng; cung cấp hàng triệu cây phi lao, cọc tre, các loại gỗ chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động hàng ngàn xe chở hàng vượt qua Truông Bồn.
Để có được những chiến tích ấy, phải kể đến sự đoàn kết của tất cả các lực lượng tham gia và phục vụ chiến đấu tại Truông Bồn. Tại đây, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương và không ít người đã anh dũng ngã xuống.
Ngày 12/01/1996, di tích Truông Bồn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để tri ân và tưởng nhớ sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Được khởi công xây dựng vào ngày 27/10/2010 và hoàn thành vào tháng 7/2015, khu di tích lịch sử Truông Bồn có diện tích 217.327m2, bao gồm nhiều hạng mục, trong đó nổi bật là khu mộ, nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong đã hi sinh trong trận bom sáng 31/10/1968 tại Truông Bồn. Khu mộ nằm nép mình bên đồi thông già, nơi đây trước là hầm trú ẩn của thanh niên xung phong. Phía trước khu mộ chính là địa điểm mà giặc Mỹ đánh phá ác liệt và cũng là nơi 13 thanh niên xung phong đã ngã xuống, vĩnh viễn trở về với đất mẹ trước ngưỡng cửa của ước mơ.
Trong khu di tích còn có nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh ở Truông Bồn; nhà trưng bày truyền thống tái hiện những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân tại Truông Bồn; hồ điều hòa cảnh quan - môi trường; sân lễ hội với nhiều công trình và hiện vật ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ trẻ đã hy sinh tại Truông Bồn. Bên cạnh đó, khu di tích còn phục hồi 03 hố bom gần khu mộ, tháp chuông; bức phù điêu lớn với nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo, tái hiện hình ảnh cuộc sống, quá trình lao động, chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong trên tuyến đường; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với ba cây hương được làm từ đá xanh nguyên khối cao 27m, đường kính hơn 1m. Xung quanh đài tưởng niệm là hai nhóm tượng, 6 trụ huyền thoại biểu tượng cho tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong.
Khu di tích lịch sử Truông Bồn là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo nhân dân và du khách mỗi khi có dịp về với xứ Nghệ.
Phạm Phương