Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Chợ Đông Ba

Vị trí: Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc.
Đặc điểm: Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực.

Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một cái chợ lớn mang tên "Qui giả thị". Tên cái chợ này đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Thời Quang Toản loạn lạc, nhân dân chạy tứ tán, đến đầu triều Nguyễn thái bình, nhân dân trở lại từ khắp nơi. Qui Giả là ngôi chợ của những người trở về. Gần một thế kỷ sau, mùa hè năm 1885, Kinh đô thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch. Ðến năm 1887 vua Ðồng Khánh cho xây lại chợ và đổi tên là Ðông Ba. Chợ cung cấp thực phẩm cho cung điện, nhà thương, đồn lính, ký túc xá các trường Quốc học, Ðồng Khánh, Bình Linh, Thiên Hựu. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái cho đem chợ ra chỗ bây giờ, đình chợ cũ trở thành trường Pháp Việt Ðông Ba.
 

Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói. Giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng. Tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa. Tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc. Trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi lấy nước dùng tay quay máy, tự nhiên nước trong giếng tràn lên, phun ra.

Ðầu thế kỷ 20, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị bom pháo Mỹ trong chiến dịch Huế Xuân 1968 bắn phá tan tành. Sau đó chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ... với tổng diện tích mặt bằng xây dựng 15.597m². Ngoài ra ban quản lý chợ còn quản lý khu Hoa Viên Chương Dương, các bến bãi đỗ xe ôtô, xe lam, nơi giữ xe đạp, xe máy... nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc chợ lên trên 47.614m² với 2.543 hộ kinh doanh cố định, 141 lô bạ, 500 - 700 hộ buôn bán rong. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 đến 7.000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ tết, chợ đông hơn, có trên 1,2 vạn người.


Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên - Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván...Chợ Ðông Ba đã trở thành trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.

 

Ngày nay chợ Ðông Ba giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Ðông Ba còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Chợ Ðông Ba, cầu Trường Tiền cùng với sông Hương là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng.


TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM