Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách sông Hương 4,5km về phía nam, cách sông Bồ 3km về phía bắc, xung quanh có nhiều bàu ruộng với những tên gọi cổ xưa như Lang Hồ, Cửa Trữa, La Lả, Hạ Lang... Ngoài ra, ở phía bắc Cồn Ràng là Rú Cấm, nơi có những huyền tích, huyền thoại về một vùng đất thiêng như Lửa Cồn, Chợ Ma, cồn Thu Lo, miếu Ông Ầm... Trong quá trình làm ruộng và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, người dân Hương Chữ đã phát hiện thấy rìu đá, hạt mã não, đồ gốm... của người xưa.
Năm 1987, trong mùa điền dã khảo cổ, thầy trò khoa lịch sử trường Đại học Khoa học Huế đã đến Cồn Ràng, thử khai quật một số điểm, phát hiện 3 chum kích thước lớn và các di vật gốm, hạt trang sức bằng đá mã não và thủy tinh. Tiếp đến là các cuộc khai quật của Viện khảo cổ học Việt Nam kết hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế. Vừa qua, các cơ quan này đã tiến hành khai quật xong đợt 3, với tổng diện tích khai quật 2.300m², chia thành 14 hố có kích thước trung bình 150m²/hố. Kết quả cho thấy: Mộ táng phân bổ chủ yếu ở độ sâu 0,5m đến 1,5m. Địa tầng di tích khá thuần nhất, các lớp chủ yếu là cát, cát pha sét, cát thô mịn và bị laterit do địa hình chịu ảnh hưởng của phù sa sông biển và những đợt xâm thực bào mòn trước núi.
Đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được 217 ngôi mộ, chủ yếu là mộ chum phân bổ thành từng cụm thẳng hàng, tứ giác, tam giác, ngũ giác. Mộ chum Cồn Ràng có 4 dạng: Dạng hình trụ, hình trứng, hình cầu; giữa trụ và trứng, được trang trí nhiều loại hoa văn, có chum trang trí văn đập xung quanh vai, có chum trang trí văn thừng toàn thân, đa số các chum để trơn phần thân và đáy. Nắp mộ chum có 3 loại: Loại nón cụt, đáy bằng, hình cầu đáy lòng chảo và loại nón chóp đáy nhọn. Cách thức bài trí: Trên nắp, quanh vai và thân mộ chum thường đặt đồ gốm như nồi bình niên, bát đèn; bên trong là đồ trang sức như khuyên tai hình bông hoa rau muống, hình đầu thú...
Nhìn chung, mộ chum Cồn Ràng được chôn không tuân theo một quy luật nào cả. Đa số các mộ chưa tìm thấy xương cốt, cả trong và ngoài mộ chỉ phát hiện thấy than củi... Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Trưởng đoàn khai quật, cho biết: Đây là cuộc khai quật một di tích khảo cổ lớn thứ hai trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam, chỉ sau di chỉ Lung Leng ở tỉnh Kon Tum. Qua nghiên cứu từ tư liệu lòng đất Cồn Ràng với khối lượng lớn hạt mã não làm đồ trang sức, đồ sắt làm công cụ sản xuất, đồ gốm làm đồ gia dụng..., có thể dự đoán Cồn Ràng là một trong những khu mộ lớn nhất của văn hóa Sa Huỳnh từ khoảng 2.500 năm trước. Nghiên cứu cũng cho thấy cư dân Cồn Ràng vào thời kỳ này đã đạt được những thành tựu lớn trong đời sống kinh tế vật chất và văn hóa tinh thần; thạo nghề nông, chăn nuôi và giỏi trong nghề đánh bắt thủy hải sản; biết đến thẩm mỹ làm đẹp cho bản thân và cộng đồng.
Trong thời gian khai quật di tích Cồn Ràng, được sự giúp đỡ của bà con địa phương, đoàn khảo cổ còn phát hiện ra di tích mộ chum ở nhiều địa điểm khác thuộc vùng lân cận Cồn Ràng như Cồn Dài, Bàu Dưng, Cửa Thiền, Phú Ốc... Ngoài ra, Cồn Ràng cách xóm Tháp, thôn An Đô, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà khoảng 2.500m về phía đông bắc có nhà thờ họ Chế có gia phả từ 14 đến 16 đời, và nơi đây còn có nhiều huyền thoại, huyền tích như miếu Bà Yàng, điện thờ Bà Lồi... là những tư liệu quý trong quá trình nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và Cồn Ràng ở thôn các tỉnh ven biển miền Trung nói chung. Tỉnh Thừa Thiên Huế tự hào có di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, nay thực sự có thêm niềm tự hào nữa là khu mộ chum lớn thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Cồn Ràng.