Hiện nay thành còn nhiều dấu tích. Phía đông là sông Chảy – một chiến hào tự nhiên nước chảy xiết cuồn cuộn, từ ngòi Lự đến ngòi Ràng là những đoạn luỹ cổ, tre ken dày và bên kia sông Chảy là bãi soi Bầu (từ cổ nghĩa là bề trên, chỉ anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật ). Tương truyền đó là bến thuyền, là căn cú quân sự của các chúa Bầu, ở đó có đồi khao quân. Phía bắc thành một bên dựa vào núi cao hiểm trở, chân núi là ngòi Ràng - một con suối rộng từ 6 – 8m làm chiến hào chở che. Ngang bờ chiến hào, các chúa Bầu còn cho trồng luỹ tre theo hình tam giác ken chặt bờ thành. Phía nam và tây thành đều dựa vào các dẫy núi cao. Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, sản xuất gạch ngói, có trại lính và hệ thống chợ búa trường học.
Đặc biệt, thành còn có ngôi chùa Phúc Khánh quy mô lớn nhất vùng. Chùa nằm trên một ngọn đồi. Hiện nay nền ngôi chùa vơí nhiều tảng đá kê cột chùa vẫn còn. Ở đây còn lưu giữ một bia đá lớn hình chữ nhật khổ 33x55mm có con rùa đội bia, trên bia nổi bật hàng chữ “Phúc Khánh Tự”.
Phía tây bắc thành có hệ thống hồ sen du ngoạn của chúa Bầu với phong cảnh “sơn thuỷ hữu tình” khá đẹp. Cạnh hồ là quần thể các lò gốm, lò gạch cổ. Suốt trên vạt đồi rộng hàng ngàn m² còn ngổn ngang các hiện vật gốm cổ, nhiều nhất là ngói cổ thời Lê Trung Hưng. Ở hàng Căm Véo – một điểm chốt tiền tiêu phía tây thành tìm thấy một khẩu súng lệnh bằng đồng dài 40cm , đường kính dài 12cm, trên thân khẩu súng còn khắc hai hàng chữ “Nghị Lang thủ ngự”. Đây là khẩu súng lệnh mang số hiệu 29 của vị thủ lĩnh đơn vị bảo vệ thành Nghị Lang.
Sách “Đại nam nhất thống chí” mục cổ tích còn ghi: “ Chúa Bầu cây cối xanh tốt, những đêm thanh vắng, người địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”.
Lịch sử đã sang trang, nhưng dấu tích oanh liệt hùng cứ một phương chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương của các chúa Bầu vẫn luôn in đậm trong truyền thống người dân.