Dân vùng cao vốn quen uống nước suối, nước mạch, vì đó là nguồn sữa của đất.
Đương buổi cày nương giữa nắng trưa, hay đương cuộc hành trình đường xa, gặp một con suối reo vui giữa rừng, gặp một mạch nước nhỏ từng giọt tí tách, ta ngắt một tàu lá, khum lại, hứng lấy nước mà uống, nước mát lạnh chạm vào cơ thể, làm cho cơn khát dịu lại, tinh thần sảng khoái hẳn lên.
Đi suốt ngày
Trời nắng chang chang
Bỗng tìm thấy mạch nước nguồn ngầm trong vắt
Vục đầu xuống
Lại xốc ba lô bước tiếp đường dài
Mỗi một con suối, mỗi một mạch nước có vị ngọt riêng. Cũng như mỗi người, mỗi vùng có nết tính, sắc thái khác nhau. Bởi thế mà rượu - sự thăng hoa của ngũ cốc và nước ở mỗi vùng, mỗi lòng mạch có hương vị và độ mặn nồng, đắng cay riêng. Ở Tắc Kô có một mạch nước như thế!. Theo con đường ngoằn ngoèo từ thị xã Lào Cai vào thị trấn nghỉ mát Sa Pa, qua khỏi địa phận Mường Tiên, theo tiếng địa phương, vùng đất dễ gây ấn tượng bởi con suối trong vắt, ngay cạnh bờ suối có một gốc cây đa bây giờ đang có nguy cơ lụi tàn mà khách bộ hành thường thắp hương cầu may, có một mạch nhỏ khiêm nhường chảy rỉ rả không làm cho ai để ý. Bên cạnh đó, là một ngôi nhà, mái ngói phủ đầy rêu phong. Mạch nước ấy khiêm nhường như thế, nhưng nghe nói không biết có đúng, nó đang chiếm lĩnh một vị trí trong viện bảo tàng ở nước Pháp? Vì chính mạch nước ấy đã từng là nguyên liệu dồi dào của hãng nước khoáng Đông Dương xưa kia!.