Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội chùa Láng

Thời gian: 06-08/3 âm lịch. Chính hội 7/3 âm lịch.
Địa điểm:
{C}{C}{C}Chùa Láng, đường Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đối tượng suy tôn:
Hội đồng Đức Phật , Vua Lý Thần Tông và Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Đặc điểm:
Rước kiệu, lễ tế, dâng hương, tụng kinh, biểu diễn văn nghệ, thổi cơm thi, đập niêu, đi cầu kiều, tổ tôm điếm, thi cờ tướng...

Chùa Láng còn được gọi là Chiêu Thiền tự. Theo thần phả của chùa, Từ Đạo Hạnh là thiền sư nổi tiếng thời Lý. Ông tên thật là Từ Lộ, con của Từ Vinh và bà Tăng Thị ở làng Yên Lãng (còn gọi là làng Láng), là người thông minh, hiếu học, có chí lớn, tính tình phóng khoáng. Sau khi cha mất, Từ Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học đạo. Khi trở về, ông đến tu tại núi Phật Tích (còn gọi là núi Sài Sơn – Hà Nội).

Tại đây ông cho xây am Hương Hải, viện Phổ Đà, sau này trở thành chùa Thiên Phúc (chùa Thầy). Ông là người có kiến thức uyên thâm về đạo Phật, thường đi khắp nơi giảng đạo pháp. Từ Đạo Hạnh mất vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch tại chùa Thiên Phúc. Theo truyền thuyết, ông được đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và được bác ruột là Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) nuôi, phong làm Thái tử cho kế vị, về sau là Vua Lý Thần Tông.

Hội chùa Láng được tổ chức hàng năm để tỏ lòng biết ơn tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông. Trước kia, hội chùa diễn ra trong 10 ngày, được các làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch cùng đứng ra tổ chức. Hiện nay, hội được tổ chức gọn trong 3 ngày, từ ngày 6 đến 8/3 âm lịch, chính hội là ngày 7/3 âm lịch.

Diễn biến lễ hội:

Ngày 06/3:

Buổi sáng, sư thầy và các cụ vãi trong chùa làm lễ tụng kinh cúng Phật. Buổi chiều, các phường lân cận biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Buổi tối, các cụ ông làm lễ bao sái Tượng Phật, Thánh và đồ thờ cúng, đồ tế.

Ngày 07/3 (Chính hội)

Buổi sáng, lễ rước kiệu Thánh từ chùa ra đường lớn được tổ chức rất long trọng. Đoàn rước đi một vòng rồi trở về chùa và an vị kiệu tại nhà bát giác. Tiếp theo, cụ chủ tế đánh trống khai hội và đọc thần phả của Thánh cùng lịch sử chùa. Cuối buổi sáng là lễ tế Thánh do đội tế nam của chùa Láng thực hiện.

Buổi chiều, đội tế nữ chùa Láng làm lễ dâng hương tế Thánh. Đến tối, các sư thầy trong chùa làm lễ tiến hương hoa và đọc kinh.

Ngày 08/3:

Buổi sáng, các đoàn tế lễ, dâng hương của các phường lân cận vào làm lễ tế Thánh. Buổi chiều, diễn ra các trò chơi dân gian và lễ trao giải các cuộc thi trong lễ hội. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội do các cụ ông tiến hành vào lúc chiều tối.

Trong hai ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi thổi cơm, đập niêu, chọi gà, đi cầu kiều, thi cờ tướng, hội thơ, hội thư pháp, hát quan họ, chầu văn, cải lương, múa…

(Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM