"Chẳng thơm cũng thể hoa Nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An"
Lịch ở đây có nghĩa là trải (từng trải, trải qua, lịch duyệt, lịch sự hay lịch lãm...). Câu ca dao cổ khẳng định cái nét của người Hà Nội xưa và ngày nay còn được giữ gìn trân trọng.
Tính cách thanh lịch của người Hà Nội thể hiện ở cách ứng xử văn hóa mà cụ thể trong cách nói năng, ăn mặc, giao tiếp. . .
Tiếng nói Hà Nội trước hết là ở chỗ phát âm đúng, từ ngữ chuẩn xác, có thể làm mẫu mực cho cả nước. Người Hà Nội còn biết sử dụng tiếng nói lưu loát, nhã nhặn, lịch sự. ấy là vì ngoài tiếng nói của địa phương mình, người Hà Nội đã tiếp thu có sàng lọc tiếng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những gì tinh túy nhất. Lời nói của người Hà Nội thường ý nhị, tôn trọng người đối thoại. Họ không ưa cách nói cộc lốc, thô lỗ.
Người Hà Nội rất sành ăn uống, họ đã nâng việc nấu nướng, ăn uống lên thành một nghệ thuật, nghệ thuật ẩm thực. Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị, nước chấm cho đến cách bầy biện thế nào cho đẹp mắt, gợi cảm mà không phàm tục và khi ăn cảm thấy thích thú. Chính vì vậy các món quà Hà Nội trở nên nổi tiếng, chỉ riêng Hà Nội mới có.
Người Hà Nội ăn uống ý tứ, khi ăn uống thường mời chào nhau, nhường người khác gắp trước, tiếp cho khách miếng ngon. Những hiện tượng ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, xa lạ với phong cách ở đây.
Trong trang phục, người Hà Nội ưa chuộng sự gọn gàng, tề chỉnh và trang nhã. Mặc đẹp nhưng kín đáo, không cầu kỳ loè loẹt, không phô trương lố lăng. Ngày nay trên đường phố Hà Nội ta thấy nhiều cô gái mặc váy và quần áo theo kiểu châu Âu cũng rât đẹp, hiện đại mà duyên dáng. Ðiều đó chứng tỏ người Hà nội không bảo thủ, họ biết tiếp thu cách ăn mặc hợp thời trang, phù hợp cuộc sống sôi động hôm nay, nhưng từ những bộ trang phục ấy cũng toát lên một sự chọn lựa đầy ý nhị. Còn khi sử dụng mầu sắc rực rỡ, họ thường biết cách phối hợp chúng để bộc lộ quần áo vẫn giữ được phong cách nền nã, lịch sự.
Không chỉ thanh lịch trong ngôn ngữ, ăn mặc, tính chất thanh lịch ấy còn được thể hiện trong cách làm ăn, cách giao tiếp. Ðó là vì Hà Nội đã có một quá trình lịch sử lâu dài, là nơi hội tụ nhân tài, vật lực của bốn phương. Hà Nội tiếp thu mọi tài hoa và chắt lọc, phát triển thành lề thói Hà Nội, câu ngạn ngữ "Khéo tay hay nghề, đất lề kẻ chợ" là để ca ngợi cung cách làm ăn của Hà Nội.
Ngày hôm nay, Hà Nội cũng như cả nước đang mở rộng cửa đón bè bạn từ khắp các nơi trên thế giới đến viếng thăm, làm ăn. Hà Nội đổi mới từng ngày từng giờ. Nhiều dự án đầu tư, nhiều công trình mới dựng, Hà Nội cùng cả nước tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng bản sắc Hà Nội từ ngàn xưa vẫn còn được gìn giữ mãi. Với sức sống dẻo dai, với lòng yêu cái đẹp đã được hun đúc từ nhiều đời, người Hà Nội hôm nay đang đẩy lùi những gì không phải là của mình. Từng người, từng gia đình vẫn giữ "nếp nhà" cứ như thể người hà nội muôn đời thanh lịch.'