Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Nhà Hồ tồn tại trong 7 năm (1400-1407) với 2 đời vua: - Hồ Quý Ly (1400). - Hồ Hán Thương (1401-1407).

 ♦ Hồ Quý Ly: 
 

Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)

Niên hiệu: Thánh Nguyên.
Vào cuối thế kỷ 14, đất nước ở trong tình trạng rối ren. Triều Trần đã trở nên ruỗng nát, bị lung lay tận gốc. Nhân hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly, một quý tộc có vây cánh và thanh thế trong triều đã lấn át dần quyền lực nhà Trần rồi đến năm 1400, phế truất hẳn vua Trần lập ra một vương triều mới - Triều Hồ.
 
Hồ Quý Ly dòng dõi người Chiết Giang, Trung Quốc. Từ đời Ngũ Quý sang Việt Nam sống ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), sau chuyển ra Thanh Hoá. 
 
Hồ Quý Ly tham dự vào chính sự nhà Trần khoảng 28 năm, sau khi bức vua Trần rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn (1400) Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Ðế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Ðại Ngu. Quý Ly làm vua chưa được một năm, bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con thứ Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng hoàng, cùng coi việc nước.
 
Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, Quý Ly đã từng bước tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt. Về mặt hành chính, Quý Ly đổi các lộ xa làm trấn, đặt thêm các chức An phủ phó sứ, Trấn phủ phó sứ cùng các chức phó khác ở các châu huyện. Ở các lộ thì đặt các chức quan lớn như Ðô hộ, Ðô thống, Thái thú quản cả việc quân sự và dân sự. Quý Ly còn đặt chức Liêm Phóng Sứ tại mỗi lộ để dò xét tình hình quân dân.
 
Về mặt kinh tế, cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là phép hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy, và đổi mới chế độ thuế khoá. Ðó là những cải cách tiến bộ nhằm tước giảm thế lực của bọn quý tộc Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ tài chính của triều đình. Theo phép hạn điền trừ Ðại Vương và trưởng công chúa, mỗi chủ đất chỉ được giữ 10 năm trở xuống, sổ sách phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Ai có tội được phép lấy ruộng mà chuộc tội.
 
Về văn hoá xã hội, Hồ Quý Ly phản đối học sáo rỗng, nhắm mắt học vẹt lời nói của cổ nhân để xét việc trước mắt. Năm Nhâm Thân (1392), Quý Ly soạn sách “Minh Ðạo” gồm 14 thiên đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử và những nghi vấn có căn cứ về sách “Luận ngữ”, một trong những tác phẩm kinh điển của nho gia.
 
Hồ Quý Ly cũng có hoài bão xây dựng một nền văn hoá dân tộc. Ông trọng dụng chữ Nôm, dịch Kinh Thi ra nôm để dạy hậu phi và cung nữ. Ông còn quan tâm đến việc mở thêm trường học ở các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Ðông và định lại phép thi cho có quy củ.
 
Về mặt xã hội, Hồ Quý Ly mở “Quảng Tế Thư” một loại bệnh viện công, chữa bệnh bằng châm cứu và lập một kho bán thóc rẻ cho người nghèo. Việc ông cho ban hành cân, thước, đấu, nhưng để thống nhất đo lường cũng làm tăng thêm giá trị văn minh của đời sống xã hội.
 
Hồ Quý Ly đã thực hiện những cuộc cải cách ấy với một quyết tâm cao, một tài năng xuất chúng và một bản lĩnh phi thường. Và dù những cải cách đó có ý nghĩa tích cực, nhưng nhìn chung toàn bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và những đòi hỏi cấp thiết của dân tộc. Chính sách cải cách của nhà Hồ có hạn chế bớt thế lực của họ Trần nhưng lại làm lợi ích riêng cho họ Hồ, nhiều hơn là lợi ích quốc gia. Vì vậy ông đã thất bại. Cái mà ông làm ra không bằng những bài học ông để lại. Bài học lớn nhất, dẫn đến thất bại của ông là để mất lòng dân. Quý Ly đã tiến hành cải cách và đoạt chính quyền bằng bạo lực tàn bạo. Trong cuộc tàn sát các tôn thất nhà Trần và những người không ăn cánh, Quý Ly đã giết một lúc 370 người, gián tiếp và trực tiếp giết nhiều và còn tiếp tục tàn sát trong nhiều năm sau, làm cho người quen biết nhau “Chỉ nhìn nhau bằng mắt, không dám nói chuyện với nhau bằng lời”. Người đương thời cho Quý Ly là “gian giảo”. Một triều vua như vậy thật khó đứng vững.
 
 ♦ Hồ Hán Thương (1401-1407): 

Niên hiệu:

- Thiệu Thành (1401-1402);
- Khai Ðại (1403-1407).
Năm Ất Dậu (1405) sau những năm tháng ngoại giao mềm mỏng chịu lép vế không kết quả, cha con Hồ Quý Ly phải đứng trước thử thách hiểm nghèo: đối phó với cuộc xâm lược của nhà Minh. Hồ Quý Ly giao cho con cả là Hồ Nguyên Trừng chỉ huy đắp thành Ða Bang, lấy gỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc (Việt Trì) và đưa quân đóng giữ các nơi. Nhưng đúng như Hồ Nguyên Trừng nói “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi”. Chính vì họ Hồ không được lòng dân nên khi Trương Phụ và Mộc Thạch đem 20 vạn bộ binh, kỵ binh và hàng chục vạn phu dịch sang xâm lược nước ta, triều Hồ đã thất bại. 
 
Trước các mũi tiến quân của Ðịch, đội quân nhà Hồ có chặn đánh ở một vài nơi rồi rút về giữ phòng tuyến Nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm Ða Bang. Cuối năm Bính Tuất (20/01/1407) thành Ða Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của quân nhà Hồ cũng tan vỡ nhanh chóng. Từ Ða Bang ngày 22/01/1407, quân địch tràn xuống chiếm kinh thành Thăng Long. Quân nhà Hồ một lần nữa rút lui xuống miền hạ lưu sông Hồng. Và sau một vài trận phản công thất bại Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo bộ thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hoá.
 
Ðến Lỗi Giang (Mã Giang) quân Minh đuổi kịp, quân Hồ lại một phen tan tác. Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Lúc đó là tháng 6 năm Ðinh Hợi (1407).
 
Nhà Hồ làm vua từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Ðinh Hợi (1407), được trọn 7 năm thì sụp đổ. Nước ta lại nằm trong vòng đô hộ nhà Minh.

♦ Hồ Nguyên Trừng: 

Hồ Nguyên Trừng, con cả của Hồ Quý Ly không chỉ là vị tướng tài mà còn là một công trình sư lỗi lạc, được coi là ông tổ của nghề đúc súng thần công Việt Nam. Việc ông lập một phòng tuyến chống giặc bắt đầu cứ điểm then chốt Ða Bang (Ba Vì) kéo dài theo bờ nam sông Ðà, sông Hồng cho đến sông Ninh (Nam Hà) rồi lại tiếp tục theo bờ sông Luộc, sông Thái Bình đến Bình Than dài trên 400 km, đã tỏ rõ ông là một nhà quân sự kiệt xuất, Hồ Nguyên Trừng cũng sáng tạo ra cách đánh độc đáo: ông cho đúc nhiều dây xích lớn chăng qua những khúc sông hiểm trở, kết hợp với quân mai phục trang bị những hoả lực mạnh, từng khiến cho thuỷ binh giặc nhiều phen khiếp đảm. Tuy vậy, nói đến Hồ Nguyên Trừng người ta thường nhắc đến công sáng chế ra súng “thần cơ ” của ông.

  
Thời ấy, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, muốn có nhiều súng trang bị cho thành trì và các hạm đội, Hồ Nguyên Trừng đã phải gấp tổ chức những xưởng đúc lớn. Nhờ thông minh tuyệt vời và khả năng suy nghĩ phi thường, Hồ Nguyên Trừng đã đúc kế những kinh nghiệm cổ truyền, trên cơ sở đó, phát minh, sáng chế ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét. Từ việc cải tiến súng, chế thuốc súng, hiểu rõ sức nổ của thuốc đạn, Nguyên Trừng phát minh ra phương pháp đúc súng mới gọi là súng “Thần cơ”. Súng Thần Cơ của Nguyên Trừng có đầy đủ các bộ phận cơ bản của loại súng thần công ở những thế kỷ sau này. Nòng súng là một ống đúc bằng sắt hoặc bằng đồng. Phía đuôi súng được đúc kín có bộ phận ngòi cháy ở chỗ nhồi thuốc nổ. Ðạn pháo là mũi tên bằng sắt lớn. Khi bắn người ta nhồi thuốc súng phía đáy rồi đặt mũi tên vào giữa và nhồi loại đạn ghém bằng sắt và chì. Súng “Thần cơ” có nhiều loại: loại nhỏ dùng cho bộ binh bắn xa áng chừng 700 mét, Hồ Nguyên Trừng đặc biệt cho chế tạo nhiều loại thần cơ lớn gọi là “thần cơ pháo”. Thần cơ pháo thực chất là súng thần công cỡ lớn được đặt cố định trên thành hoặc trên xe kéo cơ động. Quân Minh bao phen kinh hoàng về loại súng này mà không hiểu nổi. Nhưng cuộc kháng chiến của Hồ thất bại vì không được dân ủng hộ. Trong lúc giặc giương cao cờ “phù Trần diệt Hồ”. Giặc Minh bắt được nhiều súng “Thần Cơ”, bắt được cả nhà sáng chế ra nó. Trong “Vân Ðài loại ngứ”, Lê Quý Ðôn nhắc đến tình tiết: “quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”.
  
Nếu nhớ lại rằng vào thời Hồ Nguyên Trừng, thế giới còn đang thai nghén về súng đại bác thì chúng ta càng tự hào về những sáng chế của ông.