Ðạo Phật
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, đến đời Lý (thế kỷ thứ 11) Phật giáo ở vào giai đoạn cực thịnh và được coi là hệ tư tưởng chính thống. Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội, để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hoá, kiến trúc. Nhiều chùa, tháp được xây dựng trong thời kỳ này.
Cuối thế kỷ thứ 14, Phật giáo phần nào bị lu mờ, nhưng những tư tưởng của Phật giáo còn ảnh hưởng lâu dài trong đời sống xã hội và sinh hoạt của Việt Nam. Hiện nay, số người theo đạo Phật và chịu ảnh hưởng của đạo Phật khoảng trên 70% số dân cả nước.
Công giáo
Ðược du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 17, nơi tập trung nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam hiện nay là vùng Bùi Chu - Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình) và vùng Hố Nai - Biên Hoà (tỉnh Ðồng Nai). Số lượng tín đồ theo đạo Kitô chiếm khoảng trên 5 triệu người.
Ðạo Tin Lành
Ðược du nhập vào Việt Nam vào năm 1911 nhưng ít được phổ biến. Hiện nay, các tín đồ theo đạo Tin Lành sống chủ yếu ở vùng Tây Nguyên. Tại Hà Nội cũng có nhà thờ đạo Tin Lành tại phố Hàng Da. Số tín đồ theo đạo Tin Lành khoảng trên 400 nghìn người.
Ðạo Hồi
Ðạo Hồi du nhập vào Việt Nam khá sớm, tín đồ đạo Hồi chủ yếu là người Chăm ở miền Trung Trung bộ, có khoảng hơn 60 nghìn người.
Ðạo Cao Ðài
Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1926. Toà thánh Tây Ninh là trung tâm hội tụ những người theo đạo Cao Ðài ở miền Nam. Số tín đồ theo đạo này khoảng hơn 2 triệu người.
Ðạo Hoà Hảo
Xuất hiện ở Việt Nam năm 1939. Số tín đồ theo đạo này khoảng trên 1 triệu người, chủ yếu ở miền Tây Nam bộ.
Tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu
Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam đã từng tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Người Việt có tục thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Phật, thờ các thần linh, thờ các anh hùng có công với nước, với dân..., đặc biệt thờ Mẫu (Mẹ).
Thờ Mẫu có nguồn gốc của tục thờ thần thời cổ đại, thờ các nữ thần núi, rừng, sông, nước. Sau này, Mẫu được thờ ở các đền, phủ, và Mẫu luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Thờ Mẫu có nguồn gốc ở miền Bắc, vào đến miền Nam, "Ðạo" này đã hoà nhập "Mẫu" với các nữ thần trong tín ngưỡng địa phương: Thánh Mẫu Thiên Y A Na (Huế), Thánh Mẫu Linh Sơn (Tây Ninh)
Trong thực tế việc thờ cúng của "Ðạo" Mẫu có sự hội nhập các hình thức của nhiều tôn giáo khác. Ngày nay, tín ngưỡng dân gian được coi trọng nên nhiều đền, phủ đã và đang được phục hồi và hoạt động sôi nổi.