Văn học Việt Nam từ sơ khai đã phong phú dòng văn học dân gian truyền miệng. Ca dao, tục ngữ, các truyện kể đời này qua đời khác thành một kho tàng đồ sộ và quý báu.
Người Mường ở Bắc Trung Bộ có trường ca Đẻ đất đẻ nước, người Thái ở Tây Bắc có Xống chụ xôn xao, dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên có Đam San, Xinh Nhã, mỗi trường ca này gồm hàng nghìn câu... Còn ở vùng đồng bằng Bắc bộ thì có truyện kể về Nòi giống Lạc Hồng, Thánh Gióng, Tấm Cám, Bánh chưng bánh dày...
Điểm sơ qua một số ít tác phẩm truyền miệng tiêu biểu. Trong dòng văn học dân gian Việt Nam có nhiều thể loại như thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ, tục ngữ, câu đố, cao dao, vè. Văn học dân gian là sản phẩm tinh thần của người bình dân, nảy sinh trong quá trình sinh hoạt, lao động, xây dựng và đấu tranh. Chính vì vậy, kho tàng văn học dân gian ở dân tộc nào cũng có hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm dưới các dạng thức khác nhau; ở mỗi vùng, thậm trí ở mỗi làng xã lại có những tác phẩm dân gian riêng. Đấy là linh hồn và sức sống của dân tộc. Ngày nay, đối với mỗi dân tộc đều có các công trình nghệ thuật và văn học dân gian đã được sưu tầm và bảo tồn. Trên nền tảng văn học dân gian này, bằng tiếng nói và chữ viết đã xây nên tư tưởng chân chính cho văn học bác học của Việt Nam.