Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
Điều kiện địa lý tự nhiên, lịch sử, văn hoá... đã tạo cho Việt Nam có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng. Việt Nam có bờ biển dài, nhiều rừng, núi với các hang động tuyệt đẹp, nhiều công trình kiến trúc cổ và nhiều lễ hội đặc sắc.

 

Biển Vũng Tàu

 

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với 125 bãi tắm biển, trong đó hầu hết là các bãi tắm rất đẹp và thuận lợi cho khai thác du lịch mà không phải quốc gia nào cũng có. Các bãi tắm nổi tiếng từ bắc đến nam có thể kể đến như Trà Cổ, Hạ Long, Ðồ Sơn, Cát Bà, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Ðà Nẵng, Nha Trang, Cà Ná, Mũi Né, Vũng Tàu, Hà Tiên, Phú Quốc…

 

Ðặc biệt vùng biển Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới vào các năm 1994 và 2000 bởi những giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo. Hiện nay, vịnh Hạ Long nằm trong danh sách 28 ứng cử viên lọt vào vòng chung kết của cuộc vận động bầu chọn “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới”. Bên cạnh đó, 3 vịnh là Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô được công nhận là thành viên của Câu lạc bộ Các vịnh đẹp nhất thế giới. 

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Ngoài ra, nhiều bãi biển và đảo được các hãng thông tin, tạp chí, cẩm nang du lịch uy tín trên thế giới bình chọn với các danh hiệu ấn tượng và hấp dẫn khách du lịch như: biển Đà Nẵng từng được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh vào năm 2005; bãi Dài ở Phú Quốc năm 2008 đã đứng đầu trong số 5 bãi biển đẹp và sạch trên thế giới trong cuộc bình chọn dài ngày mang tên "Hidden Beaches" của hãng tin ABC News; Côn Đảo là một trong những điểm đến ấn tượng nhất Đông Nam Á năm 2010 do tạp chí New York Times chọn. Đặc biệt, năm 2011 Côn Đảo nằm trong top 20 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới do tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn và là 1 trong 10 hòn đảo bí ẩn và tốt nhất thế giới để hưởng một kỳ nghỉ lãng mạn do cẩm nang du lịch quốc tế Lonely Planet (Anh) bầu chọn. 

 

Khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng)

 

Là quốc gia trong vùng nhiệt đới, nhưng Việt Nam có nhiều điểm nghỉ mát vùng núi mang dáng dấp ôn đới như những đô thị nhỏ ở châu Âu như: Sa Pa, Tam Ðảo, Bạch Mã, Bà Nà, Ðà Lạt... Các điểm nghỉ mát này thường ở độ cao trên 1000 m so với mặt biển. Thị trấn Sa Pa hấp dẫn với những biệt thự cổ kính và những công trình hiện đại nằm xen giữa các vườn đào và hàng sa mu xanh ngắt. Đặc biệt, tuyến đường Sa Pa nằm trong danh sách 10 con đường mòn tuyệt vời nhất khắp thế giới dành cho du khách thích đi bộ nhẹ nhàng vào ban ngày do nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet công bố.  Con đường này sẽ đưa bạn hòa nhập vào cuộc sống bản địa giữa những cánh đồng lúa bậc thang và các ngôi làng gần đó. Hơn nữa, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp trải dài theo những sườn núi, quanh co theo những cung đường nơi đây đã được tạp chí Travel and Leisure của Mỹ công bố là một trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất Châu Á và thế giới.  Thành phố Ðà Lạt là nơi nghỉ mát lý tưởng nổi tiếng với rừng thông, thác nước và vô số loại hoa. Khách du lịch tới Ðà Lạt còn bị quyến rũ bởi những âm hưởng trầm hùng, tha thiết của tiếng đàn Tơ rưng và cồng chiêng Tây Nguyên trong những đêm văn nghệ.

Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)

Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nhiều vùng tràm chim và sân chim, nhiều khu rừng quốc gia nổi tiếng với những bộ sưu tập phong phú về động thực vật nhiệt đới như: Vườn quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình, Vườn quốc gia Cát Bà ở Hải Phòng, Vườn quốc gia Côn Ðảo ở Bà Rịa-Vũng Tàu... Trong đó vùng tràm chim Tam Nông (Ðồng Tháp), nơi có chim sếu đầu đỏ sinh sống, trở thành trung tâm thông tin về sếu được tài trợ bởi quỹ quốc tế về bảo tồn chim. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với những giá trị đặc sắc về lịch sử hình thành trái đất, lịch sử địa chất, địa hình, địa mạo,cảnh quan kì vĩ, huyền bí, tính đa dạng sinh học cùng với giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc, đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2003. Hệ thống hang động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất: có các sông ngầm dài nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất. Đặc biệt, hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể hang động này được các nhà khoa học và thám hiểm công nhận là hang kỳ vĩ nhất hành tinh. “Có cả rừng trong hang, đủ lớn để chứa được một tòa nhà chọc trời tại New York. Còn điểm kết của hang là bất tận.” - Đó là những dòng đánh giá về hang Sơn Đoòng, trên tạp chí National Geographic.

Rừng ngập mặn Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, tính đến năm 2011, Việt Nam được UNESCO công nhận 8 "Khu dự  trữ sinh quyển thế giới", đó là: Vườn Quốc gia Cát Tiên (nay là Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai) (2001), Rừng ngập mặn Cần Giờ ở thành phố Hồ Chí Minh (2000), Quần đảo Cát Bà ở thành phố Hải Phòng (2004), Châu thổ sông Hồng (vùng đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) (2004), Ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), miền Tây Nghệ An (2007), Cù Lao Chàm ở Hội An - Quảng Nam (2009), và Mũi Cà Mau ở tỉnh Cà Mau (2009).

 

Suối khoáng Tháp Bà (Nha Trang)

 

Nguồn nước nóng, nước khoáng thiên nhiên ở Việt Nam rất phong phú như suối khoáng Quang Hanh (Quảng Ninh), suối khoáng Kim Bôi (Hoà Bình), suối khoáng nóng Bang (Quảng Bình), suối khoáng Hội Vân (Bình Ðịnh), suối khoáng Dục Mỹ, Tháp Bà (Nha Trang), suối khoáng Vĩnh Hảo (Bình Thuận), suối khoáng nóng Bình Châu - Hồ Cốc (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Những vùng nước khoáng nóng này đã trở thành những nơi nghỉ ngơi và phục hồi sức khoẻ được nhiều khách du lịch ưa chuộng.

 

Với bề dày lịch sử 4.000 năm, Việt Nam còn giữ được nhiều di tích kiến trúc có giá trị trong đó còn lưu giữ được nhiều di tích cổ đặc sắc với dáng vẻ ban đầu như: Chùa Một Cột, Chùa Kim Liên, Chùa Tây Phương, Ðình Tây Ðằng và Ðình Chu Quyến (Hà Nội), Tháp Phổ Minh (Nam Định), Chùa Keo (Thái Bình), Chùa Bút Tháp và Ðình Bảng (Bắc Ninh), Tháp Chàm (các tỉnh ven biển miền Trung) và kiến trúc cung đình Huế.

 

 

Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)

 

Tính đến 7/2011, trong số hàng chục nghìn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, đã có hơn 6000 di tích cấp tỉnh, hơn 3000 di tích và danh thắng đã được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia, 10 di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài 2 di sản thiên nhiên thế giới ở trên, UNESCO đã công nhận 5 điểm di sản văn hóa thế giới: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ, Quần thể di tích Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; 6 di sản thế giới phi vật thể: Nhã nhạc - nhạc cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan Họ Bắc Ninh, Ca Trù, Hát Xoan Phú Thọ và Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội); 2 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu (Hà Nội); và Cao nguyên đá Đồng Văn là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN - Global Geopark Network). Trong tương lai, một số di sản văn hóa và thiên nhiên khác sẽ tiếp tục được lập hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận.

 

Ngoài ra, hàng chục triệu di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia có giá trị đang được bảo quản và trưng bày tại hệ thống 125 bảo tàng phân bổ ở mọi miền đất nước. Đồng thời, các lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống… của cộng đồng 54 dân tộc đều đã và đang trở thành những tài nguyên du lịch quan trọng.