Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá, thẩm định danh mục biệt thự xây dựng trước 1954 để đưa vào quản lý theo đề án bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội.
Việc lập danh mục kiểm tra và thẩm định được UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện. Theo đó, Hội đồng Thẩm định thành phố do lãnh đạo Sở Xây dựng là Chủ tịch, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc là Phó Chủ tịch, lãnh đạo UBND quận nơi có biệt thự là thành viên.
Các tiêu chí đánh giá biệt thự cổ sẽ dựa trên tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị; tiêu chí giá trị về nghệ thuật kiến trúc; tiêu chí giá trị về quy hoạch, cảnh quan đô thị; tiêu chí tính nguyên bản; tiêu chí về công năng, sở hữu, phân loại để đánh giá nhà biệt thự.
Theo đó, để việc đánh giá, phân loại đạt hiệu quả, ngoài việc thành lập hội đồng thẩm định cấp thành phố, UBND thành phố Hà Nội cũng quyết định lập 3 tổ công tác thuộc các đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện các nội dung rà soát, kiểm điểm toàn bộ biệt thự xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, trình hội đồng thẩm định danh mục biệt thự cần bảo tồn, tôn tạo.
Đối với nhà biệt thự thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao… thì Sở Xây dựng phải lấy ý kiến của các đơn vị đó trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện Hà Nội có 1.586 biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong đó có 562 biệt thự tư nhân đang sử dụng, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá nằm trên các tuyến như Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng...