Lễ hội Lam Kinh 2013 sẽ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với nhiều hoạt động hấp dẫn
Cập nhật: 18/09/2013
(TITC) - Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22/8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá, nơi an táng vua Lê Thái Tổ.
Lễ hội Lam Kinh năm nay có sự khác biệt hơn so với các kỳ lễ hội trước. Năm 2013 là tròn 595 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đồng thời, trong năm này Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Lễ hội Lam Kinh sẽ được tổ chức vào 8h ngày 26/9 tại sân Chính Điện, Khu di tích lịch sử Lam Kinh và được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam).


Lễ hội Lam Kinh năm 2013 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 26/9.

Lễ hội Lam Kinh 2013 được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Phần lễ sẽ được tiến hành theo nghi thức thời Hậu Lê. Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa sẽ tái hiện lại cuộc khởi nghĩa 10 năm chống quân Minh của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, thể hiện những giá trị nổi bật về mặt kiến trúc và nghệ thuật của di tích Lam Kinh; tái hiện lại một số hoạt động văn hóa có ý nghĩa tôn kính tổ tiên và các chính sách về quản lý đất nước mang đậm dấu ấn của một số đời vua thời Lê... Lễ đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt sẽ được tổ chức theo nghi thức hiện đại, trang trọng, hoành tráng, thành kính và tôn nghiêm. Phần hội bao gồm các trò diễn múa hát dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh gắn liền với Lễ hội như: múa Xuân Phả, Múa Rồng Xuân Lập (Thọ Xuân), Trò Chiềng (Yên Định), Trò Sanh Ngô, Trống Hội Phú Khê (Hoằng Hoá), Hát múa Đông Anh (Đông Sơn); Cồng chiêng (Ngọc Lặc), Hò Sông Mã (Câu Lạc bộ dân gian Hà Trung).

Ngoài ra, sẽ có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch diễn ra bên lề lễ hội như: Tổ chức trưng bày, giới thiệu các công trình, nghệ thuật kiến trúc thời Lê và các công trình kiến trúc của Lam Kinh; Tổ chức giao lưu các trò chơi, trò diễn dân gian và thi đấu các môn thể thao dân tộc; Tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Xứ Thanh gắn với vùng Tây Đô - Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Suối cá thần Cẩm Lương...

Nhân dịp này, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa sẽ tổ chức chiếu các phim phóng sự tài liệu: Lễ hội Lam Kinh năm 2008 và 2010, Khu Di tích Lam Kinh, Ngọn gió Lam Sơn, Danh nhân đất Việt (chân dung Nguyễn Thị Lộ, Lý Thường Kiệt, Nguyên phi Ỷ Lan), và một số phim truyện nhựa Việt Nam Tây Sơn hào Kiệt, Võ Lâm truyền kỳ. Đồng thời, các đội chiếu bóng lưu động phục vụ nhân dân các địa bàn trong tỉnh, đặc biệt chú trọng chiếu phim ở 11 huyện miền núi.

Từ năm 1994, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung vào khai quật khảo cổ học, tiến hành bảo tồn, trùng tu, tôn tạo hệ thống lăng mộ, nhà bia; từ năm 2006 đến nay, tập trung trùng tu, tôn tạo các điện, bia… Đến nay, về cơ bản, tỉnh đã hoàn thành những hạng mục công trình quan trọng nhất của Điện Lam Kinh và hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình phòng dựng chính Điện Lam Kinh, tòa Điện có diện tích lớn nhất so với các điện hiện nay (trên 1.640m2), đã hoàn thành 5 tòa Thánh miếu, 4 tòa còn lại sẽ hoàn thành từ nay đến 2015.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày càng thu hút nhiều hơn khách du lịch đến tham quan, nhất là trong 2 năm 2010 và 2011. Năm 2011 lượng khách đến gần chục vạn người, tăng hơn năm 2010 gần 20%.

Với lối kiến trúc độc đáo, các hiện vật trưng bày có giá trị, Lam Kinh đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng tốt đẹp, giúp du khách hiểu sâu hơn về giá trị của một địa danh lịch sử hào hùng mỗi khi đến viếng thăm.


Hương Lê